Ngày 1 tháng 3 năm 1994, Trung Quốc tiến hành khai quật đường hầm số 2 thuộc khu lăng mộ rộng lớn của Tần Thủy Hoàng tại Tây An và những binh khí được phát hiện tại đây đã khiến cho các nhà khảo cổ kinh ngạc.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là lăng mộ được xây dựng trong hơn 38 năm, từ 246-208 TCN nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp. Bố cục của nó mô phỏng theo kinh đô nhà Tần là Hàm Dương và được tiến hành khai quật từ những năm 70 thế kỉ trước. Cho đến nay khu lăng mộ vẫn chưa được khai quật hoàn toàn do các lo ngại về an toàn, bẫy và hơi độc thủy ngân bên trong khu trung tâm.
Thanh kiếm sắc lạnh sau 2000 năm
Điểm nhấn lớn nhất của lần khai quật năm 1994 là những ngọn giáo và kiếm bằng đồng. Có tới 19 thanh kiếm đã được tìm thấy, những thanh kiếm này dài 86 cm và có tám cạnh. Các nhà khảo cổ đã đo bằng thước cặp vernier và thấy rằng độ sai lệch của tám cạnh nhỏ hơn một sợi tóc. Kì lạ hơn, khi kiếm được rút khỏi vỏ, lưỡi kiếm vẫn sáng và sắc bén, đủ khả năng cắt 1 chồng giấy 20 mảnh – một điều không thể tin được với một binh khí đã ngủ yên dưới đất hoàng thổ trong hơn 2.000 năm qua.
Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà khảo cổ đã đưa nó vào phòng thí nghiệm và kinh ngạc hơn trước những gì tìm thấy. Họ phát hiện ra rằng bề mặt của thanh kiếm có một lớp hợp chất muối crom dày 10 μm. Phát hiện này ngay lập tức đã làm chấn động giới khoa học toàn cầu bởi đây chính là hợp chất giúp các thanh kiếm tránh không bị oxi hóa.
Trên thực tế, phương pháp xử lý oxy hóa muối crom hoàn toàn không phải là một phát minh của thời đại Tần Thủy Hoàng. Ngay từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, người Trung Quốc đã thành thạo kĩ thuật tiên tiến này.
Năm 1965, khi các nhà khảo cổ học tiến hành một cuộc khảo sát ở tỉnh Hồ Bắc, chỉ 7 km từ khu tàn tích thành cổ Tế Nam, kinh đô xưa của nhà Chu, họ đã phát hiện được 50 ngôi mộ cổ. Trong quá trình khai quật, họ đã phát hiện một thanh cổ kiếm. Nó nằm bên cạnh một bộ xương, bên trong một hộp gỗ gần như kín khí với bao kiếm được bảo quản hoàn hảo. Khi thanh kiếm được rút khỏi vỏ, người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy lưỡi kiếm không hề bị gỉ dù đã bị chôn trong một môi trường ẩm ướt được hai thiên niên kỷ.
Trên một bên mặt kiếm, có hai cột chữ rõ ràng gồm tám ký tự, nằm gần cán kiếm, được viết bằng ký tự Trung Quốc cổ đại. Các phân tích ban đầu đã giải mã được sáu trong tám ký tự, bao gồm “越王” (Việt Vương – vua nước Việt, ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô) và “自作用剑” (tự tác dụng kiếm, hay tự chế tác kiếm để dùng) cho thấy chủ sở hữu ban đầu của thanh kiếm này là Việt Vương Câu Tiễn (496-465 TCN), tức là thanh kiếm này có niên đại khoảng 2.500 năm.
Hai thanh kiếm khác cũng được phát hiện ở tỉnh Hà Nam vào năm 2015 và 2017 với niên đại khoảng 2300 năm.
Như chúng ta đã biết, crom là một kim loại hiếm có khả năng chống ăn mòn cực cao. Lượng crôm trong đá của trái đất rất thấp và việc khai thác rất khó khăn. Hơn nữa, crom là kim loại chịu nhiệt độ cao với nhiệt độ nóng chảy khoảng 4000 ° C. Vì những đặc tính trên, mãi đến năm 1797, nhà khoa học Pháp Louis Nicolas Vauquelin mới tìm ra Crôm và gần 200 năm sau, vào năm 1950 người Mỹ mới tìm ra kĩ thuật mạ crom tiên tiến. Vậy ai đã phát minh ra kĩ thuật mạ crom cách đây 2000 năm và bằng cách nào họ có thể sở hữu trình độ công nghệ cao như vậy?
Kiếm tự phục hồi sau khi bị uốn cong
Trong quá trình khai quật đường hầm số 1, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện một thanh kiếm khác với đặc tính vô cùng kì lạ. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã thử uốn cong nó hơn 45 độ bằng một lực nén 150kg và dừng lại. Phép màu kỳ diệu đã xuất hiện: thanh kiếm đồng mỏng bật lại ngay lập tức và phục hồi lại trạng thái tự nhiên. Đây là điều mà ngay cả các nhà luyện kim đương đại cũng chỉ thấy trong mơ, vậy mà nó đã xuất hiện trong các ngôi mộ cổ cách đây hơn 2.000 năm.
Theo các nhà khảo cổ, có tới hơn 40.000 vũ khí bằng đồng được trang bị cho các chiến binh trong lăng mộ bao gồm giáo mác, mũi tên, cung, nỏ …Tất cả đều được chế tác tinh xảo bằng đồng, mạ một lớp chống gỉ sét và có sức tấn công lớn.
Ai có thể tưởng tượng rằng phát minh khoa học của những năm 1950 lại xuất hiện trong một khu lăng mộ có từ hơn 2000 năm trước Công nguyên? Ai có thể tưởng tượng rằng thanh kiếm dài trong tay những người lính của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng hóa ra lại là một kiệt tác chưa được phát minh bởi khoa học hiện đại? Nhiều người tin rằng, nền văn minh Hoa Hạ từ hàng ngàn năm trước đã đạt được sự phát triển vô cùng rực rỡ, họ đi theo một con đường khoa học chú trọng vào nghiên cứu cơ thể người và vũ trụ, khác biệt hoàn toàn với nền khoa học thực chứng phương Tây hiện đại.
Thế giới có quá nhiều điều bí ẩn và nhân loại luôn tự hoàn thiện chính mình. Dám vượt lên những nhận thức thiên kiến, đón nhận và suy xét một cách lý trí những phát kiến và thành tựu khảo cổ mới là cách tốt nhất giúp chúng ta giải đáp các bí ẩn và tìm ra những điều chân chính.
Hoài Anh