Bí ẩn thành cổ miền Tây Vực. Châu báu đầy thành bị chôn vùi dưới cát, những người đến đào kho báu trong suốt ngàn năm đều sợ hãi bỏ chạy… Nhưng một người Anh đã có một phát hiện đáng kinh ngạc ở đây! 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay chúng ta sẽ nói về một thành cổ bí ẩn ở Tây Vực. Nó từng trong một đêm, châu báu rơi xuống đầy thành, cũng từng chỉ trong một đêm, mà bị cát vàng vùi lấp vĩnh viễn. Trong hàng ngàn năm, không ít người đã thử sức khai quật thành trì đầy châu báu này nhưng cũng không ai có thể thành công. Đó chính là thành cổ  Horaluoka được đại sư Huyền Trang thời nhà Đường giới thiệu trong cuốn sách “Đại Đường Tây Vực Ký”.

Cuộc kỳ ngộ ở Vương quốc Khotan

Vào năm 643 sau Công Nguyên, đại sư Huyền Trang tây hành cầu Phật pháp, khi đang dọc theo Con đường tơ lụa phía nam để trở về Trung Nguyên, trên đường đi phải đi qua hơn một trăm quốc gia, mỗi quốc gia này đều có phong thổ nhân tình riêng, có những nơi còn khiến ông lưu luyến quên cả đường về. Sau này, ông biên soạn những điều đã thấy và nghe được trên đường đi thành một cuốn sách, chính là cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký”.

Ngày hôm đó, Huyền Trang đến Vương quốc Susadana dưới chân dãy núi Côn Luân, còn được gọi là Vương quốc Khotan, nay là Hotan của Tân Cương. Từ nhật ký du hành có thể thấy, ông vô cùng thích thú nơi này, cho biết người dân ở đây rất giữ lễ, ôn hòa cung thuận, mọi người an cư lạc nghiệp, khi nhàn rỗi họ lại xướng ca khiêu vũ, mỗi người đều rất vui vẻ sẵn lòng. Nhưng điều ông thích nhất chính là phong trào học Phật nồng hậu nơi đây. Cả nước có hơn 100 tu viện và hơn 5.000 tăng nhân, hầu hết đều tu tập Phật giáo Đại thừa. Điều này rất hợp với vị thánh tăng của Đại Đường. Thế là ông quyết định ở lại đây thêm vài ngày, và viết ra không ít câu chuyện thú vị.

Ông đã nghe câu chuyện về thành Horaluoka khi đến thành Bimo. Thành Bimo nằm ở khu vực mà ngày nay là huyện Sách Lặc của Tân Cương, trong thành có một bức tượng Phật bằng gỗ đàn hương cao bằng hai tầng lầu, phát quang lấp lánh, có thể nhìn thấy từ rất xa. Bức tượng Phật này luôn đông đúc người tế bái.

Đại sư Huyền Trang cũng đi tới xem náo nhiệt. Người dân địa phương giới thiệu, cho biết bức tượng Phật này rất linh! Phàm là người bị bệnh, chỉ cần dát vàng lá lên bộ phận tương ứng của tượng Phật tùy theo bộ phận bị bệnh trên cơ thể người đó, thì cơn đau sẽ lập tức tiêu ngay, vô cùng linh nghiệm. Cũng có những người không ở trước tượng Phật, đứng từ xa hướng đến tượng Phật mà cầu nguyện, thì cũng đều được.

Vậy bức tượng Phật kỳ diệu này đến từ đâu? Câu trả lời càng đáng ngạc nhiên hơn, mọi người đều đồng thanh nói rằng, nó từ trên trời bay xuống.

Thành Horaluoka 

Hóa ra bức tượng Phật này tồn tại từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, do vua Udayana của Vương quốc Kosami Ấn Độ tạc nên. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, tượng Phật bay lên trời đến thành phố Horaluoka ở phía bắc Khotan. Khi đó người dân Horaluoka có cuộc sống rất sung túc, nhưng họ lại không tin Phật Pháp, nên không thấy được sự tôn quý của bức tượng Phật này, mà chỉ cho rằng có một vật gì đó từ trên trời bay xuống là khá thần kỳ.

Sự việc này một truyền mười, mười truyền trăm, sau đó mọi người đều đến xem vật thể quý hiếm này, sau đó trước tượng Phật thường có một đám đông tụ tập, nhưng ai cũng chỉ đứng xem cho vui mà thôi. Không lâu sau đó, một vị La Hán từ xa xuất hiện, chắp tay lễ bái tượng Phật. Mọi người không ai hiểu được ông ấy đang làm gì, cũng không có người tiến lên hỏi, bọn họ chỉ cảm thấy người đàn ông này trang phục kỳ dị, dáng vẻ cổ quái. Có người liền báo cáo với quốc vương.

Quốc vương không thèm hỏi mà chỉ nói, ném cát lên thân người này. Dân chúng rất vâng lời, nên từng người một đổ cát lên vị La Hán. La Hán bị cát bao phủ khắp cơ thể và khuôn mặt, thậm chí cả ở miệng, nhưng ông ấy vẫn không chịu rời đi, quỳ trước tượng Phật không ăn uống, như đang đợi ai. Ông ấy đang đợi ai?

Trong đêm khuya, người đó quả nhiên xuất hiện. Đó là một chàng trai tâm địa lương thiện, chúng ta tạm thời gọi chàng ấy là Giáp nhé. Chàng lén kéo vị La Hán sang một bên, nhét đồ ăn vào tay, nói rằng không đành lòng nhìn thấy ông ấy bị đối xử như vậy, đồng thời còn nói với La Hán rằng bản thân chàng cũng đã lặng lẽ bái tượng Phật từ lâu rồi. Từ đó về sau, chàng thường đến mang thức ăn đến cho vị La Hán.

Không lâu sau đó, vị La Hán rời đi. Trước khi đi, ông ấy nói với chàng Giáp rằng ở đây sẽ có bão cát lớn trong bảy ngày nữa. Đến lúc đó, toàn bộ thành phố sẽ tràn ngập cát vàng, không ai có thể trốn thoát, cậu nên lập kế hoạch cho mình càng sớm càng tốt. Người dân ở đây đối đãi với ta như vậy, họ đã tự mình chiêu họa cát vàng. Nói xong, vị La Hán biến mất.

Chàng Giáp trong tâm biết rõ bản thân đã gặp được một vị thần. Chàng không thể nhẫn tâm nhìn người dân trong toàn thành phải chết. Sau khi nghe tin này, chàng lập tức đến thăm người thân, bạn bè để báo tin cho mọi người về thảm họa sắp xảy ra. Đáng tiếc là không có người thân, bạn bè nào tin tưởng chàng, lại còn chế giễu chàng vì những lo lắng vô căn cứ.

Ngày hôm sau, một cơn gió lớn bất ngờ thổi vào thành phố, cạo sạch hết bụi trên mặt đất. Sau đó, lại có thứ gì đó từ trên trời rơi xuống, lần này là mưa châu báu. Tất cả nam nữ già trẻ trong thành đều đổ xô ra đường nhặt châu báu. Kết quả là không ai nghe lời Giáp nói, thậm chí có người còn mắng mỏ chàng.

Giáp thở dài, trong tâm biết rõ những người này không thể cứu. Chàng không có tâm tư nào để nhặt châu báu, nên đã bí mật đào một đường hầm trong nhà, trong vài ngày chàng đã đào được đường hầm ra bên ngoài thành. Bảy ngày sau, cơn bão cát đến như đã hẹn. Giáp từ trong đường hầm an toàn ra khỏi thành, khi quay đầu nhìn lại, chàng thấy gia hương của mình đã biến thành cồn cát lớn, những người thân bạn bè cao cao hứng hứng nhặt châu báu mấy ngày trước, nay đều không còn ai.

Giáp đi về phía đông và đến thành Bimo. Không ngờ, chàng vừa tiến vào thành thì bức tượng Phật đã cùng bay đến đây. Sau khi nghe câu chuyện này, người dân ở thành Bimo rất kính sợ tượng Phật, không dám di chuyển nó, nên đã cúng dường ngay tại chỗ.

Thành Horaluoka bên kia chẳng phải có một thành phố tràn đầy châu báu sao? Dù bị chôn vùi trong lòng đất, nhưng vẫn luôn được người ta ghi nhớ. Trong rất nhiều năm, quân vương chư quốc, hào hiệp các phương, rất nhiều người đã đến đó đào bới, tuy nhiên điều thần kỳ là mỗi khi họ đến gần cồn cát, thì lập tức “cuồng phong bộc phát, mây khói tứ bề”, khiến họ chớp mắt đã lạc đường.

Cổ thành Tinh Tuyệt

Hơn một nghìn năm sau, vào năm 1901, Marc Aurel Stein, một người vô cùng hâm mộ đại sư Huyền Trang và là một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh, đã đến Tân Cương với bản sao cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký”. Ông trìu mến gọi Đường Huyền Trang là “trưởng lão của chúng ta”, nói rằng ông muốn đi trên con đường mà “trưởng lão” đã đi trước đó và ngắm nhìn những thành trì cổ đại được nhắc đến trong sách của “trưởng lão”, vì ông tin rằng những gì trưởng lão nói là chân thực. 

Chúng ta không biết Stein cũng có hứng thú với châu báu, hay chỉ vì muốn chứng thực quốc gia cổ xưa trên Con đường tơ lụa đó thực sự tồn tại, nên ngay khi đến Hotan, ông đã thuê một nhóm người bắt đầu đào bới. Bạn biết không, họ đã thực sự đào ra một cổ thành.

Thành cổ nằm trên cồn cát mênh mông của huyện Dân Phong, Tân Cương. Có thể thấy người dân ở đây có cuộc sống rất giàu có, gia đình nào cũng có nhà cửa rộng rãi, phía sau nhà có một vườn cây ăn trái rộng lớn, có đàn gia súc bò cừu, thức ăn nhiều đến mức thu hút lũ chuột. Vậy là có bẫy chuột trong đống đổ nát. Văn hóa Đông Tây cũng được tiếp hợp liền mạch ở đây. Trong các văn vật được khai quật có cả hộ chiếu bằng tiếng Hán và văn thư bằng chữ Khalur của Ấn Độ. Phòng của các cô nương có những chiếc ghế được chạm khắc hoa theo phong cách Hy Lạp, và những chiếc gương lớn bằng đồng được chế tác tinh xảo từ Trung Nguyên. Có thể thấy đây là một thành phố cổ phồn hoa thịnh vượng.

Tuy nhiên, tất cả các văn vật được khai quật đều có niên đại muộn nhất là từ thời nhà Ngụy và nhà Tấn, và biến mất sau đó. Có lẽ nó đã bị bỏ hoang từ thời nhà Ngụy và nhà Tấn. Nhưng tại sao người ta lại bỏ rơi một nơi thịnh vượng như vậy?

Những bộ xương trắng có thể nhìn thấy khắp nơi dưới lớp cát vàng dường như đã đưa ra câu trả lời. Trong các căn phòng, trong vườn cây ăn trái, trên đường phố và trong các miếu đường, đến đâu cũng nhìn thấy xương trắng của cả con người và động vật. Hầu hết các ngôi nhà vẫn giữ được diện mạo hoàn hảo ban đầu khi chúng bị bỏ hoang. Có thể thấy rõ hình dáng của những ngôi nhà, với các hành lang, đại sảnh, phòng khách, bếp, kho chứa đồ,… tất cả đều được sắp xếp một cách có trật tự. Một số cánh cửa vẫn còn hé mở, và có những lò sưởi tinh xảo trong các phòng. Người dân địa phương cho biết, đôi khi gió thổi mạnh, người ta còn nhặt được những viên pha lê và đồ trang sức lấp lánh đầy màu sắc ở gần di chỉ. Mọi dấu hiệu đều cho thấy đây cũng là thành phố bất ngờ bị cát vàng chôn vùi, người dân chưa kịp trốn thoát. Thời gian thảm họa xảy ra là vào khoảng thời nhà Ngụy và nhà Tấn, tức là trước thời nhà Đường.

Vậy đây có thể là cổ thành thất lạc Horaluoka trong sách của đại sư Huyền Trang không? Stein nói không phải. Khi ông khai quật đến trung tâm thành phố, ông phát hiện ra một ngôi Phật tháp. Tất cả các kiến trúc trong cổ thành này đều được xây dựng xung quanh ngôi Phật tháp này. Vậy thì người dân ở đây hẳn là những người tín Phật, đặc điểm này không phù hợp với cổ thành Horaluoka. Một điều nữa là ông đã tìm thấy một văn kiện trong đống đổ nát có dòng chữ “Hán Tinh Tuyệt Vương” viết bằng tiếng Hán.

Sau này, khi khai quật được nhiều văn vật hơn, các nhà khảo cổ tin rằng đây chính là thành cổ Tinh Tuyệt, kinh đô của đất nước Tinh Tuyệt được nhắc đến trong “Hán thư”. Đây cũng là thành Ni Nhương được nhắc đến trong du ký của đại sư Huyền Trang. Huyền Trang kể rằng khi ông đến thăm, cổ thành đã biến mất thành một đầm lầy nóng ẩm. Thường có thể nghe thấy tiếng người hát, gầm rú hoặc than khóc ở bãi cát lún gần đó, nhưng không ai biết những âm thanh này đến từ đâu.

Vậy làm thế nào mà thành cổ Tinh Tuyệt huy hoàng này lại bị thất lạc? Có một truyền thuyết lan truyền trong dân làng địa phương, nói rằng quốc vương Tinh Tuyệt muốn gả con gái yêu quý của mình cho một dũng sĩ của Vương quốc Tinh Tuyệt, nhưng công chúa nhỏ lại phải lòng thủ lĩnh của một dị quốc, gây ra những cuộc chiến tranh và tàn sát không ngơi nghỉ. Cuối cùng, ông Trời nổi giận, một cơn bão cát đã chôn vùi toàn bộ thành phố, không ai có thể trốn thoát.

Nhân tâm biến đổi dẫn đến thiên thượng đại nộ, đây là một cái kết cực kỳ giống với thành cổ Horaluoka và Vương quốc cổ đại Loulan mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây. Có bao nhiêu câu chuyện buồn như thế này đã bị chôn vùi dưới sa mạc cát vàng Tân Cương? Thực sự là không ai biết.

Những nghi ngờ của Kaladun

Sau đó, Stein lại phát hiện ra tàn tích của một thành phố cổ đại khác – “Kaladun” trên sa mạc gần sông Kriya phía bắc Hotan. Vị trí của thành phố này rất gần với thành cổ Horaluoka được đại sư Huyền Trang mô tả. Vào những năm 1950, di chỉ của một số lò lửa và ngôi nhà, cũng như một số đồ gốm và hàng dệt đã được khai quật ở đây. Sau đó, một số nhà khảo cổ đã xuất bản một bài báo cho rằng đây chính là thành cổ đã mất Horaluoka. Tuy nhiên, những phát hiện mới vào năm 1993 đã lật ngược kết luận này. Bởi vì một ngôi Phật tự đã được tìm thấy ở đây, với những bức tượng Phật bằng gốm và một bức bích họa Đức Phật từ bi tường hòa. Các nhà khảo cổ tin rằng đây là ngôi Phật tự hiện tồn sớm nhất ở Trung Quốc, và là tượng Phật sớm nhất ở Trung Quốc.

Vậy thì câu hỏi là, nếu câu chuyện do Huyền Trang kể là có thật, thì đây sẽ không phải là cổ thành Horaluoka trong truyền thuyết. Bởi vì người Horaluoka không tín Phật, làm sao họ có thể xây Phật tự và vẽ tượng Phật? Nếu câu chuyện Huyền Trang có chút sai khác với sự thật, và người dân ở đây vì cơ duyên bức tượng Phật đó mà cuối cùng đã tin Phật, trở thành địa phương đầu tiên của Trung Quốc mà Phật pháp được truyền ra thời kỳ đầu, thì đây cũng có khả năng là thành Horaluoka.

Dù thế nào đi nữa, thành cổ Horaluoka ở đâu vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.

Câu chuyện của Vương quốc Khotan

Điều thú vị là cuốn sách của đại sư Huyền Trang còn giới thiệu một câu chuyện khác vô cùng tương tự với thành cổ bị thất lạc Horaluoka, trong câu chuyện này cũng có tượng Phật bay và một vị La Hán từ xa đến. Nhưng quốc vương đã có một lựa chọn khác. Sau này, thành phố này đã được lưu truyền ngàn năm, vinh hoa thịnh vượng cho đến ngày nay. Đó là câu chuyện đã xảy ra ở Thành phố Vương quốc Khotan.

Khi đó Khotan cũng không tín Phật. Ngày hôm đó, một vị La Hán từ xa đến, ngồi đả tọa thiền định rất lâu trong rừng cây bên ngoài thành phố. Có người đã nhìn thấy ông, cảm thấy rất ngạc nhiên về diện mạo và trang phục của ông, nên đi báo tin cho quốc vương. Quốc vương liền đến gặp vị La Hán và hỏi ông ấy tại sao lại sống một mình trong rừng. Vị La Hán đáp, rằng bản thân là đệ tử của Phật Như Lai và tu hành thiền định ở đây, tiếp theo liền khuyến nghị quốc vương hoằng dương Phật pháp, xây dựng chùa chiền.

Quốc vương lấy làm lạ, bèn hỏi: “Như Lai có năng lực gì mà khiến ông tự giác tự nguyện chịu khổ như vậy?” La Hán nói rằng Như Lai từ bi vô lượng, thương xót chúng sinh trên thế gian. Những người tuân tòng Phật Pháp có thể siêu thoát sinh tử, những người hoài nghi Phật Pháp sẽ bị mắc kẹt trong cạm bẫy của ái dục. Quốc vương nói, muốn ta tin thì hãy hiển linh cho ta xem. La Hán nói, chỉ cần xây chùa, vào ngày khánh thành, sẽ tự có thần tích xuất hiện.

Quốc vương thực sự đã nghe lời khuyên của vị La Hán, bắt đầu xây dựng ngôi chùa. Vào ngày ngôi chùa được khánh thành, người dân gần xa đều đến. Quốc vương lại đến hỏi vị La Hán, nói rằng chùa đã được xây dựng xong, nhưng Phật của ngài ở đâu? La Hán nói, bệ hạ phải thành tâm lễ Phật, thì Phật sẽ hiển hiện cho ngài xem. Quốc vương nghe lời, liền làm theo. Kết quả là, một bức tượng Phật từ trên trời lạc xuống, bay đúng vào sân chùa. Từ đó trở đi, quốc vương nhất tâm hướng Phật, bắt đầu chấn hưng Phật Pháp. Vào thời điểm Huyền Trang đến đây, việc tu hành Phật Pháp đã trở thành một phong trào toàn dân ở đây. Và đây có thể là nguyên nhân khiến Huyền Trang rất có thiện cảm với Khotan.

Đó là câu chuyện của ngày hôm nay. Bạn nghĩ thành cổ Horaluoka có thực sự tồn tại, hay đại sư Huyền Trang chỉ là kể cho mọi người nghe một câu chuyện ngụ ngôn?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch