Là thần đồng của Trung Hoa Dân Quốc, nhưng ông đã không tránh khỏi vận mệnh của chính mình… Dự ngôn về Viên Thế Khải: Mệnh cách tương tự Khang Hy, nhưng vì rơi vào “không vong” mà thoái vị!
Chiểu theo thuyết pháp của Phật gia, tai họa trong kiếp này là do tiền kiếp đã làm những chuyện bất hảo tạo thành, cái đó gọi là “tiền thế chi nhân, hậu thế chi quả”. Do đó, nếu muốn hóa giải nguy cơ, không thể dựa vào trốn tránh. Vậy còn có cách nào?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Ngày 19 tháng 12 năm 1941 là một ngày rất đặc biệt đối với Lâm Canh Bạch, một đại sư mệnh lý học của Trung Hoa Dân Quốc, bởi vì ngày chủ định trong mệnh của ông đã đến.
66 năm sau, Dương Giáng, vợ của Tiền Chung Thư, trong cuốn sách mới của bà “Bước đến bên rìa cuộc đời” đã mô tả ngày đặc biệt của Lâm Canh Bạch như thế này:
“Có một thầy toán mệnh rất nổi tiếng ở Thượng Hải… ông ấy toán định mình năm nay sẽ chết yểu. Tất cả các thầy toán mệnh đều ảo tưởng có thể xu cát tị hung, vì vậy ông ấy đã trốn sang Hồng Kông, nghĩ rằng đã tránh được tai họa chết yểu. Một ngày nọ, ông ăn tối ở nhà một người bạn. Ăn tối xong về nhà, thì đụng phải giới nghiêm, ông trúng đạn vong thân. Sự việc được lan truyền rộng rãi, khiến nhiều người kinh ngạc ông ấy toán mệnh chuẩn xác. Nhưng mệnh đã định rồi, làm sao trốn được đây?”
Thầy toán mệnh rất nổi tiếng được đề cập trong cuốn sách chính là Lâm Canh Bạch. Cái chết của Lâm Canh Bạch ở Hồng Kông hồi đó đã gây chấn động, có thể nói rằng không ai không biết, không ai không hiểu. Tại sao? Bởi vì Lâm Canh Bạch rất nổi tiếng trong giới mệnh lý với danh hiệu là người có cái miệng sắt, một huyền thoại trong huyền thoại. Vậy ông ấy làm sao có thể biết mình sẽ chết?
Dự ngôn thành sự thật
Lâm Canh Bạch sinh ra ở Phúc Kiến vào năm 1894, và đã là một thần đồng từ khi còn nhỏ. Ông có thể viết văn từ năm 4 tuổi, làm thơ khi lên 7, được nhận vào Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nay là Đại học Bắc Kinh năm 13 tuổi. Đến năm 16 tuổi, ông tham dự Cách mạng Tân Hợi, nhanh chóng trở thành cánh tay phải của tiên sinh Tôn Trung Sơn. Năm 1913, khi chưa đầy 20 tuổi, ông đã trở thành bí thư trưởng của “Hội ủy viên khởi thảo Hiến Pháp”, có thể nói là thiếu niên đắc chí, tiền đồ vô lượng.
Nhưng bản lý lịch hổ báo này đối với Lâm Canh Bạch mà nói, chưa phải là điều khiến ông nổi danh. Điều thực sự khiến ông trở thành huyền thoại, là lời dự ngôn ông đưa ra vào năm 1915.
Mùa đông năm đó, Viên Thế Khải, khi đó là tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, đã vi bội ước định với những người cách mạng, quyết định tự mình đăng cơ làm hoàng đế. Những người trẻ tuổi tham gia Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đều tràn đầy phẫn nộ vì bị xúc phạm, nhưng họ không thể làm gì được, vì Viên Thế Khải nắm trong tay một quân đội hùng hậu, mọi người lúc đó ai cũng không đủ khả năng có một đội ngũ cường đại để chiến đấu với ông ta. Điều duy nhất họ có thể làm là tụ tập trong tửu quán để uống rượu và chửi bới trút giận.
Hôm đó khi mọi người đang uống rượu cùng nhau, Lâm Canh Bạch đột nhiên đứng dậy nói: “Viên Thế Khải không có mệnh làm hoàng đế. Ông ta nếu dám xưng đế thì sẽ chết sớm.” Mọi người đều cười nhạo, không ai cho là nghiêm túc. Tuy nhiên, Lâm Canh Bạch hiển nhiên là nghiêm túc, tiếp tục nói: “Gần đây tôi nghiên cứu về mệnh lý, từ bát tự của Viên Thế Khải mà xem, ông ta thực sự không sống lâu, nếu không tin, tôi sẽ viết mệnh của ông ta lên tường để mọi người sau này đến xem.” Nói xong liền viết lên tường. Nhưng người ta cứ uống và uống, tán gẫu và tán gẫu, không ai chú ý đến những gì Lâm viết.
Không ngờ, sau Tết Nguyên đán, tình huống chuyển biến cấp tốc, các tỉnh lần lượt tuyên bố độc lập, các làn sóng khởi nghĩa nối tiếp nhau. Vào ngày 22 tháng 3, Viên Thế Khải tuyên bố thoái vị dưới áp lực của tất cả các bên, chỉ làm hoàng đế trong 83 ngày. Vài ngày sau, các tờ báo và tạp chí bắt đầu đưa tin Viên Thế Khải có vấn đề về sức khỏe, có lẽ bị nhiễm độc tiết niệu. Tháng 5, Viên Thế Khải rất ít khi lộ mặt, mỗi lần xuất hiện thì dung diện đều phờ phạc. Vào ngày 6 tháng 6, kẻ kiêu hùng một thời đại đột ngột qua đời, lúc lâm chung để lại di cảo ghi: “Vi Nhật Bản khứ nhất đại địch, khán Trung Quốc tái tạo cộng hòa.” Có vẻ như khi đi đến điểm cuối của sinh mệnh, ông đã đột nhiên tỉnh ngộ, ăn năn hối tiếc. Đáng tiếc là, Thần định mệnh vẫn vô tình bắt ông đi.
Sau khi tin tức về cái chết của Viên Thế Khải được truyền ra, những người cách mạng vội vã báo cho nhau, khóc vì sung sướng. Có người liền nhớ tới lời dự ngôn của Lâm Canh Bạch viết trên tường, quay lại tửu quán xem kỹ, nền trắng chữ đen, phân tích có lý luận có cơ sở, cuối cùng có một câu bình luận như thế này: “Hạng Thành (Viên Thế Khải) thọ mệnh sắp hết, những người tung hô vương miện chỉ là xem núi băng như núi Thái Sơn.” Núi băng mà, qua vài ngày sẽ tan chảy, Lâm Canh Bạch chính là ngụ ý nói triều đại hoàng đế của Viên Thế Khải không lâu sẽ sụp đổ.
Sáu năm sau, Lâm Canh Bạch trong sách mệnh lý của ông “Nhân giám – Mệnh lý tồn nghiệm” đã lý giải một cách tường tận ông năm đó làm thế nào để phán định Viên Thế Khải sẽ chết sớm. Nguyên lai trong bát tự của Viên Thế Khải có hai quý cách “Giáp củng lộc mã, hư yêu đế khuyết”. Bát tự như thế này, hoàng đế Khang Hy cũng có. Do đó trong mệnh Viên Thế Khải làm hoàng đế là không sai. Thế nhưng, đế mệnh của Khang Hy nằm ở “thực xứ”, còn đế mệnh của Viên Thế Khải lại lạc vào “không vong”. “Không vong” là sát Thần trong bát tự, nếu nó ứng tại hảo vận, thì nếu không là hảo vận bị biến thành hoại vận, thì cũng là hảo vận không trường cửu. Do đó hai người này đế vận khác nhau. Khang Hy bình an làm hoàng đế trong suốt 60 năm, con Viên Thế Khải mới làm hoàng đế được 83 ngày đã thoái vị.
Vậy tại sao Viên Thế Khải chết sớm? Lâm Canh Bạch tiếp tục phân tích rằng, xét theo bát tự, Viên Thế Khải vào năm 54 tuổi bắt đầu đi Đinh Mão vận. Tuy nhiên, Mão trong bát tự của ông lại đối xung với Dậu, lực lượng đối xung này là phi thường lớn, thậm chí ngay cả toàn bàn mệnh đều bị ảnh hưởng. Dưới sự tấn công khép của lưỡng trọng “không vong” và “đối xung”, hảo vận không những không vận hành nổi, mà e rằng tính mạng cũng khó bảo toàn. Do đó Viên Thế Khải xưng đế năm 56 tuổi, không quá ba tháng liền thoái vị, thoái vị không lâu thì mất.
Kể từ đó, Lâm Canh Bạch trở nên nổi tiếng và trở thành một ngôi sao đang lên trong giới mệnh lý học. Lúc đó là vào những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, xã hội động loạn, mọi người đều muốn bảo trì bình an cho bản thân, vì vậy toán mệnh rất lưu hành. Những người nổi tiếng xung quanh Lâm Canh Bạch cũng tìm đến ông toán mệnh, xu cát tị hung. Ông không bao giờ từ chối bất cứ ai đến, tìm ra cái gì là nói cái đó, báo cáo trực ngôn. Rốt cuộc, là một thần đồng xuất sinh, dù không Lâm Canh Bạch chưa hề gặp qua bất kỳ danh sư nào, những học vấn uyên thâm về môn bát tự là do ông không thầy mà tự thông, vận dụng tự do, và mệnh lý mà ông suy toán ra thường là chuẩn xác một cách thần kỳ.
Ví dụ, ông từng dự ngôn rằng Liệu Trọng Khải, anh hùng của Trung Hoa Dân Quốc, sẽ đột ngột qua đời; Hồ Thích sẽ tỏa sáng trong văn đàn; Khang Hữu Vi, người phát khởi biến pháp Mậu Tuất, vận mệnh đa suyễn, khoảng 71 tuổi sẽ qua đời; đại thi nhân Từ Chí Ma chết khi bay.
Hậu nhân quay đầu nhìn lại, phát hiện những chuyện này đều được Lâm Canh Bạch dự ngôn trúng. Liệu Trọng Khải năm 1925 bị thích sát vong thân, Hồ Thích sau này trở thành đại văn hào, Khang Hữu Vi khoảng 70 tuổi qua đời, Từ Chí Ma năm 1931 bị rơi máy bay, chết trong tai nạn hàng không.
Đương thời, có một câu nói lưu truyền phương gian, nói rằng Lâm Canh Bạch phê mệnh lý ngôn từ xác tạc nói gì trúng đó. Và phí xem toán mệnh của ông ấy cũng tăng vọt nhờ danh tiếng. Vào thời đại mà bạn có thể mua một căn nhà với giá 30 nguyên tiền, người ta nói rằng Lâm Canh Bạch đã được trả hơn 100 nguyên tiền cho một lần xem bát tự, và đôi khi còn cao tới 500 nguyên tiền. Lâm Cạnh Bạch đã có một thời gian phát đạt, bị cuốn vào giới chính trị và mệnh lý.
Tai nạn đẫm máu
Tuy nhiên, những ngày tốt đẹp không kéo dài. Bởi vì Lâm Canh Bạch rất nhanh đã tính được rằng ông sẽ gặp phải một tai nạn đẫm máu ở tuổi 45, tính trái tính phải đều không thể qua được. Phải làm thế nào đây?
Năm 1941, khi thấy mình sắp đến thọ hạn ở tuổi 45, Lâm Canh Bạch tâm lý càng lúc càng trở nên hoảng loạn. Đương thời, ông đã chuyển từ Thượng Hải, nơi bị quân đội Nhật Bản công hãm, đến bộ đô Trùng Khánh. Cho dù Trùng Khánh còn chưa thất thủ, nhưng máy bay Nhật Bản lởn vởn bất cứ lúc nào, thỉnh thoảng lại thả hai quả bom. Lâm Canh Bạch và vợ suốt ngày sống trong sợ hãi, không biết thảm họa đẫm máu này khi nào sẽ ứng nghiệm.
Vào ngày hôm đó, ông nghe nói Đào Bán Mai, một đại sư tướng diện ở Trùng Khánh, toán mệnh vô cùng linh nghiệm, liền tiến tới bái phóng, mong tìm cách giải cứu mình. Đào Bán Mai trầm ngâm một hồi rồi nói, từ tướng diện của cậu mà nói, e là không qua được tuổi 45. Hay là cậu chạy về khu vực nông thôn thử xem, may ra có thể thoát được. Với sự chỉ điểm của Đào Bán Mai, Lâm Canh Bạch quyết định đi hướng Nam, chạy đến Hồng Kông tị nạn. Lúc đó Hồng Kông không được coi là một khu vực nông thôn, nhưng đây là thuộc địa của Anh, giữa Anh và Nhật không có chiến tranh, vì vậy Hồng Kông có thể nói là an toàn.
Họ đến Hồng Kông vào ngày 1 tháng 12. Nhưng chỉ bảy ngày sau, Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Hồng Kông nhanh chóng bị quân cảnh Nhật Bản chiếm lĩnh. Chỉ vài ngày sau, Lâm Canh Bạch bị bắn chết trên đường phố. Bởi vì đó là một thời kỳ bất thường, di cốt của ông đã được chôn cất vội vàng trong một hố bùn ven đường, sau đó được chuyển về Thượng Hải để chôn cất sau thắng lợi của cuộc chiến kháng Nhật. Đại sư mệnh lý một thời đại đã kết cục như thế này, không khỏi khiến người ta thở dài.
Ngoài sự tiếc thương, mọi người còn thảo luận về lý do tại sao Lâm Canh Bạch không thể thoát khỏi thảm họa. Một số người nói rằng nếu Lâm Canh Bạch không thông hiểu mệnh lý và ở lại Trùng Khánh, có lẽ ông ấy có thể đã thoát khỏi nạn này. Cũng có người cho rằng, tai họa là không thể tránh khỏi. Nếu thầy mệnh lý có thể tránh được tai họa, thì làm nghề thầy thuốc chẳng phải có thể trường mệnh trăm tuổi sao? Trong khi bàn luận, ai đó đã kể lại câu chuyện về Kinh Phòng, một nhà Dịch học thời Tây Hán.
Cái chết của Kinh Phòng
Kinh Phòng là một bậc thầy Dịch học, người rất giỏi căn cứ thiên tượng biến hóa để dự trắc nhân sự, là thủy tổ khai sáng chiêm pháp dự trắc lục hào bát quái. Tuy nhiên, ngay cả đại sư Dịch học khai sơn lục phái như vậy, cũng phải chịu chết bất chấp năng lực dự trắc của mình.
Trong “Hán thư” có ghi lại, năm đó khi Kinh Phòng đang học “Kinh Dịch” từ Tiêu Diên Thọ, Tiêu Diên Thọ nói rằng Kinh Phòng đắc được chân truyền của ta, nhưng cuối cùng sẽ vì thế mà mất mạng. Đương thời các sinh viên đều không lý giải được. Kinh Phòng đắc được chân truyền, có thể tính toán ra thảm họa phía trước. Nếu biết trước có tai họa, tự mình có cách nào nhảy thoát khỏi cái hố đó không? Nhưng cuối cùng Kinh Phòng thực sự đã rơi vào cái hố mà ông ấy tự đào.
Vì tinh thông Dịch học nên Kinh Phòng nhiều lần dự ngôn chuẩn xác tai họa, khiến Hán Nguyên Đế rất coi trọng, phong ông làm thái thú, cho ông luôn đi theo bên cạnh, hết sức nghe theo kiến nghị của ông. Thạch Hiển là một hán gian xảo quyệt, có chính kiến bất đồng với Kinh Phòng, và hai người luôn mâu thuẫn. Vào ngày hôm đó, Kinh Phòng đã gửi một kiến nghị cho hoàng đế, nói rằng bệ hạ kể từ khi lên ngôi, “Nhật nguyệt thất minh, tinh thần nghịch hành” (mặt trời mặt trăng không sáng tỏ, các vì sao quay ngược), núi lở đất động, hạ sương đông lôi, các loại tai họa và dị tượng, tất cả đều là do gian thần xung quanh bệ hạ. Hán Nguyên Đế vội vàng hỏi, gian thần ở đâu? Kinh Phong nói Thạch Hiển chính là gian thần. Hán Nguyên Đế thản nhiên cười, không nói gì nữa. Sau chuyện này cũng không làm bất cứ điều gì với Thạch Hiển.
Tuy nhiên, lời nhận xét này đã bị Thạch Hiển biết không lâu sau đó, hắn lập tức dùng thủ đoạn chuyển Kinh Phòng khỏi hoàng đế và trở về làm quan địa phương. Kinh Phòng đương thời đã tự chiêm mệnh mình, quái tượng cho thấy “quân thần cách tuyệt, quân nghi thần khốn”. Xem ra, e mình nguy hiểm tính mạng, vội vàng viết thư cho hoàng thượng, thỉnh cầu được ở lại. Tuy nhiên, đã quá muộn. Lần này hoàng đế không nghe ông. Một tháng sau, Kinh Phòng bị bắt giam và bị giết, lúc đó ông mới 41 tuổi.
Lý do Kinh Phòng bị giết là vì ông đã không giữ miệng, luôn kể với học trò của mình là Trương Bác về những đối thoại của mình với hoàng đế, và Trương Bác cũng không giữ miệng mà đem chuyện này đi kể với người khác. Một đến hai đi, liền bị Thạch Hiển biết, cáo trạng lên hoàng đế. Việc giải đọc thiên tượng luôn là cơ mật quốc gia, không thể tùy tiện tiết lộ. Điều này đã vi phạm điều đại kỵ của hoàng đế. Kinh Phòng vì thế không thể thoát khỏi cái chết.
Diêu Bình, một học sinh của Kinh Phòng, đã từng đối diện với ông nói rằng “khả vị tri đạo, vị khả vị tín đạo dã” (chỉ biết đạo mà chưa tin đạo), chính là nói, đối với Kinh Dịch, Kinh Phòng chỉ nắm vững những thứ ở tầng diện tri thức, nhưng ông ấy không dụng tâm học tập. “Kinh Dịch” dường như được sử dụng để bói toán, nhưng kỳ thực, nó uẩn hàm vũ trụ quan trong văn hóa cổ điển Trung Quốc, vốn tin rằng thế gian vạn sự thuận ứng với nguyên lý của vũ trụ mà vận hành, không thể bị con người lay chuyển. Nói rộng ra, đó chính là tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”.
Tuy nhiên, Kinh Phòng lại coi những gì mình học được ở Kinh Dịch như một công cụ để bài trừ dị kiến trong quan trường, vì mưu cầu phúc lợi của bản thân. Cái miệng không nghiêm, tiết lộ bí mật, đó là điều đại kỵ trong Kinh Dịch. Trong “Kinh Dịch” có câu nói: “Loạn chi sở sinh dã, tắc ngôn ngữ dĩ vi giai… thị dĩ quân tử thận mật nhi bất xuất dã.”, chính là nói, họa từ miệng mà ra. Người ta nói lời phải thận trọng, chẳng phải là nói “thiên cơ bất khả tiết lộ” sao. Vì vậy Kinh Phòng học Chu Dịch, chỉ chú trọng học kỹ thuật, không chú trọng tu tâm, tư tâm càng trọng, thì tư tưởng chỉ cục hạn ở tầng diện con người, không thể câu thông tốt với vũ trụ, trí huệ không đủ, nhìn không thấy nguy cơ tứ bề mai phục.
Cũng có thể nói điều tương tự về Lâm Canh Bạch. Nếu ông ấy thực sự dụng tâm học hỏi, sẽ biết rằng tai họa chủ định trong mệnh muốn tránh cũng không né nổi. Chiểu theo thuyết pháp của Phật gia, tai họa trong kiếp này là do tiền kiếp đã làm những chuyện bất hảo tạo thành, cái đó gọi là “tiền thế chi nhân, hậu thế chi quả”. Do đó, nếu muốn hóa giải nguy cơ, thì phải dựa vào hành thiện làm việc tốt, chứ không phải dựa vào trốn tránh.
Viên Liễu Phàm triều nhà Minh chính là một ví dụ rất nổi tiếng. Trong một chuyên mục trước đây của chúng tôi đã giới thiệu qua về câu chuyện của ông. Thời ông còn trẻ, một thầy chiêm bốc rất chuẩn đã toán mệnh cho ông. Vận mệnh nửa đầu đời tính rất chuẩn, nhưng nửa đời sau thì không linh nghiệm. Điểm ngoặt của vận mệnh là vào năm ông 37 tuổi. Từ năm đó trở đi, ông bắt đầu tích cực hành thiện. Và vận mệnh cũng tựa hồ như từ đó mà bắt đầu phát sinh cải biến. Thầy chiêm bốc nói ông chỉ có thể sống đến 52 tuổi, không có con trai. Nhưng sự thực ông đã sống đến 74 tuổi, còn được con trai chăm sóc cho đến khi qua đời. Vào năm ông 69 tuổi, Viên Liễu Phàm đúc kết những tâm đắc một đời của mình viết vào một cuốn sách, đây chính là một trong những sách khuyến thiện nổi tiếng nhất Trung Quốc, tên gọi là “Liễu Phàm tứ huấn”. Quý vị quan tâm có thể tìm đọc.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch