Selwa Hussain 39 tuổi (Anh) được các bác sĩ ghép tim nhân tạo dưới dạng một chiếc balo đeo trên lưng sau ca cấp cứu vì suy tim nặng.

Một quả tim đập bên ngoài cơ thể? Liệu điều đó có khả thi? Một người phụ nữ Anh đã có một trong những cuộc phẫu thuật khó tin nhất trên thế giới và giờ đây, cô đang mang trái tim của mình trong một cái ba lô. Cuộc sống sẽ ra sao khi phải mang một trái tim nhân tạo trong một cái túi? Chiếc ba lô này đã giúp cô sinh tồn! Về cơ bản, cô mang “sự sống của bản thân” bên ngoài cơ thể.

đeo trái tim trên lưng
Selwa đeo một chiếc ba lô, một thiết bị có vai trò như một trái tim nhân tạo trên lưng. (Ảnh: NTD india)

Bên trong ba lô là một máy bơm chạy bằng pin và một động cơ điện để đẩy không khí thông qua các dây dẫn rồi truyền thẳng vào ngực, từ đó giúp máu lưu thông trong cơ thể.

đeo trái tim trên lưng
Chiếc ba lô sự sống của Selwa. (Ảnh: saida.tv)

6 tháng trước Selwa Hussain được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng suy tim nặng. Tình trạng sức khỏe của Selwa không cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấy ghép tim. Gia đình cô đã đồng ý để bác sĩ thực hiện ghép tim nhân tạo. Chi phí cho cuộc phẫu thuật là 86.000 bảng Anh (2,64 tỷ đồng).

Sau khi thay tim, sức khỏe của Selwa đã được cải thiện. “Trước đây, sức khỏe của tôi rất yếu. Sau phẫu thuật, sức khỏe của tôi đã khá hơn và được về nhà. Các bác sĩ đã trao cho tôi cơ hội sống thứ hai để tôi được trở về nhà và đón năm mới cùng gia đình. Tôi thực sự rất biết ơn điều đó”, nữ bệnh nhân nói.

Các bác sĩ kết luận tình trạng suy tim đột ngột của bà mẹ 2 con rất có thể là do quá trình mang thai trước đó làm cơ tim bị bệnh. Đây cũng là một trong những tình trạng bệnh về tim vô cùng hiếm gặp.

Selwa là bệnh nhân thứ hai ở Anh sử dụng tim nhân tạo. Trước đó, một người đàn ông 50 tuổi cũng đã được phẫu thuật ghép tim nhân tạo vào năm 2011.

Quý Khải