Theo Cục An toàn Quốc gia Hoa Kỳ, số trẻ tử vong trên xe hơi tại nước này đã tăng đột biến, lên tới 275%, nguyên nhân do nhiệt độ trong xe quá cao, dẫn tới sốc nhiệt, ngạt thở. Điều đáng nói là bi kịch xảy ra ngay cả với những bậc cha mẹ chu đáo nhất với con cái, họ cũng có thể gây ra sai lầm nghiêm trọng.

Cơn ác mộng giữa ban ngày

Đối với Kristie Reeves, ngày 25/5/2011 cũng giống như mọi ngày trong sinh hoạt của gia đình, ngoại trừ việc bé gái của vợ chồng cô vẫn đang say giấc nồng. Chồng cô là Brett Cavaliero hôm đó sẽ thay vợ chăm sóc cô con gái bé bỏng đáng yêu 1 tuổi là Sophia Rayne “Ray Ray” Cavaliero, trong khi cô phải chuẩn bị đi dự một cuộc hội nghị xa nhà.

Chẳng ai ngờ đó lại là ngày bi thảm nhất đối với cặp vợ chồng trẻ, khi tai nạn đã lấy đi mạng sống của con gái ngay sau khi bé vừa đón sinh nhật đầu tiên trong đời. Vào lúc 9h43 sáng ngày 25/5/2011, Reeves cho Ray Ray ăn bữa sáng và chuẩn bị balo quần áo cho bé để chồng cô chăm sóc.

“Tôi bế Ray Ray đặt bé ngồi ở băng ghế sau như mọi lần và thơm vào má con gái”, Reeves nhớ lại. “Tôi đã nói với cả hai rằng tôi yêu họ biết bao khi trao cho con gái và chồng một nụ hôn tạm biệt và chúc một ngày an lành”.

Bé Sophia Rayne “Ray Ray” Cavaliero đáng yêu tròn 1 tuổi. (Ảnh: ABC News)

Sau khi chào tạm biệt chồng và con gái, Reeves trở vào nhà và bắt đầu chuẩn bị hành trang cho chuyến công tác sắp tới. Một vài tiếng sau, cô lái xe tới văn phòng của Brett để cùng ăn trưa với chồng – đó là “quy ước duy trì sự ấm áp gia đình” mỗi khi Reeves phải đi công tác xa nhà.

Lúc 1h15 chiều, Reeves lái xe tới văn phòng của chồng để cả hai cùng ra ngoài ăn trưa trước khi cô đón chuyến bay vào đầu giờ chiều. Câu chuyện của cặp đôi thường rôm rả khi nhắc đến ‘thiên thần nhỏ’ Ray Ray của họ.

Reeves phấn khích và hãnh diện khi nhắc đến việc Ray Ray trông đáng yêu thế nào khi mặc chiếc váy hồng xinh xắn mà giáo viên đã tặng bé vào ngày sinh nhật. “Em tin là cô ấy (giáo viên) rất vui khi đón bé Ray Ray nhà mình. Hôm nay Ray Ray chuyển vào lớp sâu bướm 1 tuổi”.

Ray Ray đáng yêu với đôi má hồng phúng phính, cặp mắt xanh biếc và lún phún răng sữa lúc nào cũng là chủ đề chính của bà mẹ trẻ Reeves khi cô vừa nói vừa bẻ lái đánh xe vào bãi đậu của nhà hàng mà không nhận thấy sự lặng thinh đột nhiên của người chồng. Rồi cô giật mình khi nghe chồng cô hét lên: “Đừng tắt máy, quay trở lại văn phòng của anh ngay. Xin nhanh chóng trở lại văn phòng anh ngay lập tức”.

Bé Sophia “Ray Ray” Cavaliero cùng người cha Brett Cavaliero. (Ảnh: YENİ.MOBİ)

Lúc đầu, Reeves nghĩ Brett đã quên điều gì đó nên cần trở lại văn phòng gấp. Nhưng khi Brett có vẻ mất bình tĩnh thúc giục vợ vượt cả đèn đỏ thì Reeves đã nghĩ tới một điều hệ trọng xảy ra. “Có chuyện gì vậy?”, Reeves hỏi chồng. “Anh không nhớ là Ray Ray ở trong xe vào sáng nay nên đã lái thẳng xe tới văn phòng làm việc”.

Hoảng loạn, Reeves nhớ lại rằng cô đã lái xe như “điên” bất chấp đèn đỏ và thậm chí còn lao cả xe lên vỉa hè. Trong sự lo lắng bất an, cô còn đi nhầm đường tới văn phòng của Brett. Trên đường đi, cặp vợ chồng đã gọi điện tới Trường học của Ray Ray và được xác nhận là cô bé không có mặt trong lớp.

Brett vội vã điện thoại cho người quản lý văn phòng, và nhờ người xuống hầm xe để kiểm tra xe hơi của anh, trong khi Reeves gọi 9-1-1 thông báo tình hình.

Cho đến thời điểm đó, Ray Ray đã bị bỏ quên ở ghế sau của chiếc xe hơi 4 tiếng đồng hồ, với nhiệt độ bên ngoài là 35 độ C, nghĩa là nhiệt độ trong xe có thể lên tới 65 độ C. Khi nhóm phản ứng nhanh 911 tới hiện trường, cô bé đã bất tỉnh và Ray Ray xinh xắn với đôi môi chúm chím hồng hào giờ mím chặt, chuyển màu tím tái.

Họ đã hồi sức tim phổi cho Ray Ray 40 phút trước khi cô bé được chuyển tới bệnh viện Texas. Tại đây, các bác sĩ đã cố gắng mở khí quản cấp cứu ba lần nhưng không thành công. Ở lần thứ tư, Ray Ray được đặt ống nội khí quản, nhưng mọi chuyện đã trở nên quá muộn.

Mất mạng

79 phút sau cuộc gọi 911 đầu tiên, các bác sĩ thông báo Ray Ray đã tử vong do bị sốc nhiệt. Ray Ray là một trong 33 trẻ tử vong trong năm đó do bị ngạt hơi nóng trong xe ô tô, theo Cục Khí tượng và Khí hậu tại Đại học bang San Jose.

“Khi họ thông báo Ray Ray của tôi đã chết, tôi cảm thấy mọi thứ như suy sụp”, Reeves khóc khi hồi tưởng lại. “Mọi thứ diễn ra thật bất ngờ, giống như một bộ phim bi thảm”.

Người mẹ trẻ Kristie Reeves luôn thích thú kể về sự đáng yêu của Ray Ray trước khi bi kịch xảy ra đối với gia đình họ. (Ảnh: imperiya.by)

Trong khi Ray Ray đang nằm ở bệnh viện, Brett Cavaliero đã bị cảnh sát thủ phủ Austin giữ lại tại văn phòng làm việc của anh để thẩm vấn. Brett Cavaliero được phép đến bệnh viện lúc 4h chiều để nhìn mặt con gái lần cuối và anh suy sụp hoàn toàn. Các bác sĩ đã phải cho người cha tội nghiệp uống thuốc an thần.

Trong khi đó tại bệnh viện, Reeves bị chất vấn bởi cảnh sát và những người có thẩm quyền trong tổ chức Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em. Mặc dù Cavaliero là người đã bỏ quên Ray Ray trong xe dẫn đến cái chết của con gái, nhưng Reeves nói rằng cô không oán giận chồng. “Tôi nhận ra đó là một tai nạn, sự đãng trí mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trường hợp như vậy”, Reeves nói.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về việc trẻ em bị bỏ quên ở băng ghế sau. Tôi đã nghe nói về trường hợp cha mẹ bị lạc mất con hoặc quên khi con cái họ mải chơi trốn ở một nơi nào đó, nhưng chưa bao giờ hình dung trường hợp để quên con trong xe hơi. Khi chuẩn bị sinh bé, chúng tôi cũng tham gia các lớp nuôi dạy con. Họ dạy chúng tôi cách trông giữ em bé cẩn thận, cách cho bé ăn và ngủ an toàn, nhưng chưa bao giờ có ai nói với chúng tôi về ‘Hội chứng trẻ bị bỏ quên”.

Hội chứng trẻ bị bỏ quên

Làm thế nào cha hoặc mẹ có thể quên rằng con mình đang ở trong xe? Câu hỏi có vẻ như không thể hiểu nổi. David Diamond, Giáo sư Tâm lý học và sinh lý học tại trường Đại học South Florida cho biết, các nghiên cứu khoa học về não bộ chứng minh rằng Hội chứng trẻ bị bỏ quên thực tế có tồn tại.

Giáo sư Tâm lý học và sinh lý học David Diamond, tại trường Đại học South Florida. (Ảnh: John Cerebro)

“Cha mẹ hoàn toàn mất nhận thức rằng đứa trẻ đang ở trong xe”, Diamond nói. “Đó là do hệ thống thói quen não bộ của chúng ta. Nó cho phép bạn làm mọi thứ mà không cần phải suy nghĩ về nó”.
Diamond đã nghiên cứu về Hội chứng trẻ bị bỏ quên từ năm 2004 và đã phải chứng kiến những chuyện đau lòng xảy ra sau cái chết của các em bé, khi các bậc cha mẹ phải đối mặt với tội danh gây chết người, hoặc gây nguy hiểm cho trẻ trong những trường hợp trẻ sống sót.

Dựa trên nghiên cứu của Diamond, ông đã đưa ra một giả thuyết về sự cạnh tranh giữa “hệ thống bộ nhớ thói quen” của não bộ và “hệ thống bộ nhớ tiềm năng” của nó. Nếu hệ thống bộ nhớ thói quen chiếm lĩnh thì Hội chứng trẻ bị bỏ quên có thể xảy ra.

Hội chứng trẻ bị bỏ quên được định nghĩa là tình huống cha hoặc mẹ không nhớ rằng có một đứa trẻ đang ở trong xe hơi, thay vì đưa con đến lớp học thì họ – các bậc cha mẹ như Brett Cavaliero  lại lái xe thẳng tới sở làm và bỏ quên con ở trong xe. Theo lý giải của giáo sư Diamond, điều này có khả năng xảy ra vì việc đưa con đến trường không phải là một phần trong thói quen hằng ngày của họ.

Hội chứng trẻ bị bỏ quên được định nghĩa là tình huống cha hoặc mẹ không nhớ rằng có một đứa trẻ đang ở trong xe hơi. (Ảnh: medium.com)

Trong hoàn cảnh bị thiếu ngủ hoặc căng thẳng, Diamond cho rằng, hiện tượng lãng quên này có thể mặc định hành động lặp đi lặp lại. Ví dụ, cha/mẹ cứ theo thói quen đi thẳng từ nhà đến nơi làm việc, thói quen này được thực hiện tự động theo bản năng, ông giải thích.

“Nó ảnh hưởng đến hệ thống bộ nhớ tiềm năng của chúng ta và nó khiến chúng ta ít có khả năng làm điều gì đó ngoài thói quen. Không phải là tôi coi nhẹ sinh mệnh của một đứa trẻ, mà quả thực có những bậc cha mẹ rất chu đáo với con đôi khi vẫn mất nhận thức rằng con họ vẫn đang ở trong xe. Là một nhà khoa học, tôi đang cố gắng tìm hiểu điều này xảy ra như thế nào”, giáo sư Diamond  cho biết.

Các chuyên gia y tế cho rằng, khi nhiệt độ ngoài trời là 25 độ C thì nhiệt độ trong xe có thể lên đến 43 độ C, và các bác sỹ cho biết, đột quỵ có thể xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C, và cơ chế điều nhiệt cơ thể của trẻ em nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Ở nhiệt độ này, nguy cơ trẻ tử vong lên tới 99%.

Khi nhiệt độ ngoài trời là 25 độ C thì nhiệt độ trong xe hơi có thể lên đến 43 độ C. (Ảnh: Chronicle)

Một lý do nữa là Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) nhận thấy số trẻ nhỏ tử vong do sốc nhiệt trên xe ô tô tăng lên kể từ khi các hãng xe hơi giới thiệu loại túi khí bên hông ghế phụ. Do có loại túi khí này, các bậc phụ huynh không còn cho trẻ ngồi ở ghế trước nữa, mà chuyển sang ghế phía sau, nên dễ bỏ quên con lại xe hơn trước.

May mắn sống sót nhưng tàn phế suốt đời

Năm 2011, giáo sư Diamond đã làm chứng thay mặt cho bị đơn Kaleb Laatsch (Wyoming), là một người cha đang phải đối mặt với tội danh để quên con trai – cậu bé Gideon trong xe vào ngày 16/8/2011. Dù bị bị tổn thương não nghiêm trọng, nhưng Gideon vẫn may mắn sống sót.

“Gideon là đứa trẻ duy nhất mà tôi biết còn sống sót”, Diamond nói. Câu chuyện buồn xảy ra trong một lần Kaleb Laatsch đưa cậu con trai đến nhà trẻ thay vợ. Nhà trẻ nằm trên trục đường đi làm của Kaleb Laatsch và “trong khi lái xe, bộ não anh ấy đã chuyển sang dạng thức: Đây sẽ là một ngày mà tôi sẽ không đưa con đến nhà trẻ.”. Chính vì vậy Kaleb Laatsch đã quên mất đứa trẻ và lái thẳng xe tới sở làm.

Gideon Laatsch may mắn sống sót sau tai nạn bi thảm vào ngày 16/8/ 2011 khi cậu mới được 9 tháng tuổi. (Ảnh: ACB)

Bồi thẩm đoàn đã kết án Laatsch với tội danh vô ý gây nguy hiểm, nhưng đã được tha bổng do tòa án không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào hành hạ hay bỏ bê con cái của Laatsch.

Giống như Kristie Reeves, mẹ của bé Gideon là Sarah Laatsch cũng chia sẻ rằng cô và chồng cô – Kaleb không hề biết đến Hội chứng trẻ bị bỏ quên trước khi tai nạn xảy ra. Laatsch nói: “Chúng tôi có các cánh cửa chặn an toàn trong nhà, lắp còi báo động trên cánh cửa và không bao giờ nghĩ rằng nguy cơ lớn nhất cho con là từ chính chúng ta”. Kaleb nói rằng anh đã đưa con đi cùng theo cách anh ấy vẫn đi trên chặng đường tới sở làm mỗi ngày. 

Vào ngày xảy ra sự việc bi thảm đó, Laatsch cho biết cô ở nhà dọn dẹp sau khi cả gia đình trở về sau kỳ nghỉ dài ngày. Cô đã nhờ chồng Kaleb đưa bé Gideon 9 tháng tuổi tới nhà trông trẻ trước khi tới sở làm tại một mỏ dầu ngay gần đó. Nhưng khi Laatsch đến nhà trẻ để đón con trai về thì phát hiện rằng bé không có ở đó. Lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra, Laatsch đã lái xe thẳng đến công trường nơi chồng cô đang làm việc. Khi được phát hiện bị bỏ quên trong xe, bé Gideon đã phải trải qua 9 giờ với nhiệt độ trong xe khoảng 45 độ C.

 
Gideon Laatsch may mắn sống sót nhưng bị tật nguyền cả đời. (Ảnh: ACB)

Gideon được đưa đến phòng cấp cứu Campbell County Memorial ở Gillette, (Colorado), nơi cơ thể bé được ổn định trong môi trường làm mát. Trải qua một tháng nằm viện với các biện pháp chăm sóc y tế tốt nhất, Gideon may mắn thoát chết nhưng bị tổn thương não và các cơ quan như thị giác, tứ chi và khả năng phát âm đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giờ đây, ở tuổi lên 7 tuổi, cuộc sống của Gideon luôn gắn liền với xe lăn. May mắn thay, thị giác của bé đang dần được phục hồi.

Con số thống kê

Theo Sở Khí tượng và Khoa học Khí hậu tại Đại học bang San Jose, trường hợp trẻ “bị lãng quên”, hoặc vô tình bị bỏ lại trên xe bởi các bậc cha mẹ chiếm 54% các trường hợp gây tử vong trẻ nhỏ ở Mỹ do bị sốc nhiệt trong xe hơi. Trong số 677 trẻ em chết vì sốc nhiệt kể từ năm 1998, thì có 354 trẻ dưới 1 tuổi.

Có khá nhiều mẹo an toàn nhằm giúp ngăn ngừa bi kịch “xe hơi nóng và Hội chứng trẻ bị bỏ quên” như việc đề xuất các bậc phụ huynh luôn nhìn lại ghế sau trước khi rời khỏi xe. Thêm nữa, cha mẹ nên để ở ghế sau ví hoặc túi xách mà họ cần phải lấy để đi làm hoặc ra khỏi xe. Ngoài ra, cần phải có sự liên hệ giữa nhà trường và cha mẹ nếu trẻ không được đưa tới lớp học đúng giờ.

Gia đình hạnh phúc của bé Ray Ray trước khi xảy ra tấm thảm kịch. (Ảnh: ACB)

Bảy năm sau cái chết của con gái Ray Ray, Kristie Reeves đã dành nhiều thời gian trong cuộc sống để nâng cao nhận thức về sốc nhiệt xe cộ ở trẻ em thông qua chiến dịch Cam kết với Ray Ray.

Ngày 1/9/2015, “Luật Ray Ray” đã được bang Texas thông qua, yêu cầu các bệnh viện trên toàn tiểu bang giáo dục cha mẹ về sự nguy hiểm của các tai nạn liên quan đến sốc nhiệt trong xe hơi. Bệnh viện sẽ phát tờ rơi và gấu bông cho các cha mẹ như một lời nhắc nhở họ không để con một mình trong xe.

Hiện giờ, Reeves đã là mẹ của hai bé gái sinh đôi 5 tuổi và ngoài thời gian chăm sóc con cái, cô đã dành tâm huyết để giảm thiểu những tai nạn như bi kịch của gia đình cô. “Tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông với “Cam kết của Ray Ray” bởi vì tôi đã cam kết với con gái rằng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng cuộc sống ngắn ngủi của cô bé sẽ không chỉ là một thống kê khủng khiếp”.

Xuân Trường