Những động thái cấm quảng cáo các sản phẩm vượt kiểm duyệt VPN của Google tại Trung Quốc đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng.
Mạng riêng ảo (Virtual Private Network – VPN) đang ngày càng trở nên rộng rãi và phổ biến đối với những khu vực hoặc quốc gia bị kiểm duyệt mảng, đồng thời bảo vệ danh tính người dùng khỏi những nguy cơ tiềm ẩn trên Internet. Gần đây, Google đã có các biện pháp cấm chạy quảng cáo các sản phẩm VPN tại thị trường Trung Quốc để phù hợp với luật pháp địa phương. Động thái này đã làm dấy lên những tin đồn cho rằng Google đang có kế hoạch tái thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng một công cụ tìm kiếm gắn kiểm duyệt dành riêng cho thị trường này.
Tuân thủ luật pháp địa phương hay hỗ trợ các nỗ lực kiểm duyệt?
Theo chính sách mới của mình, Google đã ngừng hiển thị quảng cáo của 2 trang web đánh giá các dịch vụ VPN tại Trung Quốc là VPNMentor và Top10VPN. Trong một email được gửi tới VPNMentor, Google giải thích rằng, “hiện tại chính sách của Google không cho phép quảng cáo các dịch vụ VPN tại Trung Quốc, do những hạn chế về pháp lý tại địa phương”. Top10VPN cũng nhận được email tương tự sau nhiều tháng được đăng quảng cáo thông qua Google.
Tuy nhiên, động thái này hoàn toàn không phải là một bước đi mới của Google. Trao đổi với phát ngôn viên của gã khổng lồ công nghệ, trang ZDNet đã báo cáo rằng, việc Google cấm quảng cáo VPN ở quốc gia Đông Á này đã xảy ra trong vài năm trở lại đây.
“Chúng tôi có các chính sách lâu dài ngăn cấm việc quảng cáo tại hệ thống của chúng tôi đối với các máy chủ cá nhân, tại các quốc gia nơi các máy chủ đó bị coi là bất hợp pháp. Tất cả các nhà quảng cáo phải tuân thủ luật pháp địa phương”, phát ngôn viên Google nói trong một tuyên bố, theo ZDNet.
Động thái trên đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài, khách du lịch và người dân địa phương phẫn nộ bởi lẽ việc truy cập mạng thông qua VPN là cách hữu hiệu để vượt kiểm duyệt “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc . Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc David Kaye đã tố cáo Google vì với hành động tước đi quyền tìm kiếm thông tin không bị kiểm duyệt của người dân Trung Quốc.
Lệnh cấm có thể là cách Google làm ấm lòng chính phủ Trung Quốc, theo các báo cáo. Trở lại năm 2010, Google đã cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh bị tấn công mạng liên tục cũng như kiểm duyệt định kỳ. Nhưng hiện tại, Google đã quay ngoắt 180 độ trong chính sách của mình. Mark Natkin thuộc hãng tư vấn Marbridge coi việc chặn VPN là cách Google sửa đổi để thích ứng với yêu cầu của Trung Quốc khi họ muốn thâm nhập lại thị trường Đại Lục. Phó giáo sư luật của Đại học Hồng Kông Lee Jyh-An cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, đây là “tín hiệu của hãng công nghệ trị giá hàng tỷ đô la này trong việc thể hiện lòng hảo tâm của mình đối với chính phủ Trung Quốc”.
Google chưa nói rõ về việc liệu lệnh cấm đối với hai trang web là quyết định của riêng họ hay trên thực tế là một yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc. Nhưng họ khẳng định rằng nó không liên quan gì đến những cáo buộc về việc tái thâm nhập thị trường nước này.
“Như chúng tôi đã thông tin vài tháng trước, chúng tôi không có kế hoạch phát hành công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc cũng như không có dự án nào như vậy đang được thực hiện”.
Quay trở lại hang rồng
Những nghi ngờ về việc Google muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng mọi giá bắt nguồn từ một vụ rò rỉ thông tin nội bộ gần đây. Các nhân viên Google tin rằng họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Dragonfly, một công cụ tìm kiếm gắn kiểm duyệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc, vẫn đang được phát triển. Công cụ tìm kiếm này sẽ lọc bất kỳ nội dung nào mà chính phủ Trung Quốc muốn ngăn chặn.
Các nội dung bị chặn sẽ bị lọc khỏi trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm và được thay thế bằng thông báo từ chối do kiểm duyệt. Đối với nội dung nằm trong danh sách đen của chính phủ, sẽ không có bất kỳ kết quả tìm kiếm nào được hiện ra. Với một hệ thống như vậy, Google đang liên minh với các nỗ lực kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc, nhằm cho phép Google có thể quay trở lại thị trường này.
Theo các nhân viên, họ đã tìm thấy hàng trăm sự thay đổi về mã code liên quan đến dự án Dragonfly trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, chỉ ra thực tế rằng dự án này vẫn đang được tiến hành. Google đã bác bỏ những tuyên bố này, nói rằng những suy đoán này là “hoàn toàn không chính xác” và không có bất cứ tiến triển nào thêm đối với dự án này. Nếu dự án Dragonfly hoạt động trở lại, nỗi sợ hãi của cộng đồng nhân quyền Trung Quốc sẽ trở thành sự thật – “những ngày đen tối đối với tự do Internet”.
Theo Vision Times
Linh Khánh biên dịch
Video: YouTube Kiểm Duyệt Trung Quốc Không Kiểm Duyệt