Rất nhiều người hình thành các ký ức sai lệch một cách độc lập về một người hoặc một sự kiện trong quá khứ. Hiện tượng bí ẩn này được gọi là hiệu ứng Mandela.
Hiệu ứng Mandela và sự kết nối não bộ với các vũ trụ song song
Thuật ngữ ‘Hiệu ứng Mandela’ được đưa ra lần đầu tiên bởi blogger Fiona Broome vào năm 2010, khi cô tham gia Hội thảo Dragon Con tại thành phố Atlanta, Mỹ. Tại đây, cô nhận thấy, rất nhiều người tin rằng tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã qua đời khi bị giam giữ trong nhà tù Nam Phi vào những năm 1980.
Một người trong cuộc chia sẻ:
“Lúc đó tôi cứ nghĩ rằng Nelson Mandela đã qua đời trong tù. Tôi nghĩ tôi đã nhớ rất rõ về điều đó, thậm chí cả đoạn phim ghi hình tang lễ của ông tại Nam Phi, và bài diễn văn đầy xúc động của người vợ góa phụ.
Sau đó, tôi phát hiện ra ông ấy vẫn còn sống. Thật kỳ lạ!”.
Trên thực tế, Mandela đã qua đời vào năm 2013 tại nhà, trong vòng tay ấm áp của gia đình.
Cùng năm đó, Broome công bố trang web MandelaEffect.com, trên đó thu thập các ví dụ khác nhau về loại hiện tượng này.
Về cơ bản, hiệu ứng Mandela đề cập đến một hiện tượng trong đó một lượng lớn người có cùng một loại ký ức sai lệch, nhưng hình thành một cách độc lập, về các sự việc xảy ra trong quá khứ. Một số cho rằng ký ức sai lệch này tồn tại ở những vũ trụ song song, và nó tràn vào bộ não chúng ta từ đó. Cũng có người cho rằng đây là sự thất bại của ký ức tập thể.
Một số ví dụ điển hình khác về hiệu ứng Mandela:
1. Nhân vật Monopoly Man trong cờ tỷ phú đeo kính một mắt
Nhân vật Monopoly Man, hay Rich Uncle Pennybags (Chú túi tiền giàu có) là biểu tượng chính thức trong cờ tỷ phú. Nhiều người nghĩ nhân vận này đeo cái kính một mắt, nhưng thực ra không phải.
Nhiều người tỏ ra khá bất ngờ, bởi đối với họ, hình ảnh của một nhân vật quá đỗi quen thuộc như Monopoly man, dường như đã khắc sâu vào ký ức của họ, không thể sai lệch.
2. Đuôi Pikachu có màu đen
Rất nhiều người cho rằng có một dải màu đen trên đuôi Pikachu, nhưng thực ra không phải. Làm cách nào nhiều người đến thế lại có cùng một ký ức không thực?
3. Mona Lisa thay đổi nét mặt từ “vô hồn thành vui”
Rất nhiều người cho rằng nét biểu lộ cảm xúc trên gương mặt Mona Lisa đã thay đổi, bởi họ nhớ rằng trước đây cô có một gương mặt “thẳng băng, vô hồn”, nhưng dường như hiện nay cô lại có một nụ cười hé mở, nhưng là một nụ cười mỉa. Trên thực tế, nét biểu cảm của Mona Lisa từ lâu đã như vậy rồi.
Tại sao rất nhiều người có cùng một loại ký ức sai lệch như vậy?
Làm sao giải thích loại hiện tượng này?
Giới khoa học hiện đang có quan điểm phân lập về chủ đề này. Hầu hết cho rằng những ký ức sai lệch này chỉ là kết quả của việc chúng ta nhớ nhầm các sự việc trong quá khứ, nhưng điểm kỳ lạ là làm cách nào rất nhiều người đều hình thành cùng một loại ký ức sai lệch này, một cách độc lập? Hẳn là họ đã tiếp nhận loại ký ức này từ cùng một nguồn thông tin nào đó. Vậy nguồn thông tin này nằm ở đâu. Có thể nó đến từ các vũ trụ khác, theo thuyết đa vũ trụ, hay vũ trụ song song.
Thuyết đa vũ trụ cho rằng vũ trụ chúng ta không phải là cái duy nhất, mà có rất nhiều vũ trụ tồn tại song song với nhau. Những vũ trụ riêng biệt này được gọi là các “vũ trụ song song”.
Và các vũ trụ này có thể có một số điểm tương đồng, cũng như một số điểm dị biệt, với vũ trụ chúng ta. Như Dave Campbell, một nhà trị liệu bằng liệu pháp thôi miên, nhận định:
“Đôi khi, chúng ta có những phát minh tương đồng ở những vũ trụ khác nhau trong cùng một thời điểm, như lò vi sóng. Ở một vũ trụ, nó được gọi là lò vi sóng, nhưng ở vũ trụ khác, nó được gọi nó là nồi cơm nhanh”, Campbell nói.
Trước đây, Đại Kỷ Nguyên đã thảo luận về hai hiện tượng có tiềm năng bắt nguồn từ các vũ trụ song song; giấc mơ và hiện tượng déjà vu. Theo đó, có khả năng các cảnh tượng trong giấc mơ là những sự việc có thật, xảy ra tại một thế giới khác, một vũ trụ song song. Tương tự, hiện tượng déjà vu, trong đó bạn cảm thấy rất đỗi quen thuộc đối với một hoàn cảnh mà bạn chưa từng chứng kiến hoặc trải nghiệm trước đây, cũng có thể bắt nguồn từ vũ trụ song song.
Tất nhiên, cần những luận điểm và bằng chứng mạnh mẽ để thuyết phục các nhà khoa học thần kinh rằng những ký ức sai lệch đến từ các thế giới hay vũ trụ song song, đặc biệt khi các nhà vật lý vẫn chưa thể tìm ra bằng chứng chắc chắn cho sự tồn tại của vũ trụ song song, mặc dù rất nhiều nhà vật lý nổi tiếng, bao gồm GS Stephen Hawking, hay Gs Steven Weinberg (nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng từng đoạt giải Nobel), tin tưởng hoặc ủng hộ ý tưởng này.
Tuy nhiên tất cả những lý thuyết gây tranh cãi nên và cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bởi không thể phủ nhận rằng vẫn còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về bản chất của không gian và thời gian trong vũ trụ.
Hưng Thành, Quý Khải t/h