Công ty PTScientist của Đức hiện thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng công nghệ với dự án khởi nghiệp xây dựng các trạm thu phát sóng điện thoại di động trên Mặt Trăng.
PTScientist, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đăng ký tham gia cuộc thi Google Lunar X Prize, đang lên kế hoạch đưa hai xe tự hành có trang bị trạm thu phát sóng điện thoại di động lên mặt trăng, đón đầu viễn cảnh nơi này sẽ trở thành một căn cứ không gian trong tương lai không xa, ScienceAlert đưa tin hôm 10/8.
Các xe tự hành sẽ được đưa lên không gian bằng tên lửa Falcon của hãng SpaceX, sau đó đổ bộ xuống Mặt Trăng nhờ một trạm định hướng và đổ bộ tự động ALINA (Autonomous Landing and Navigation).
Trạm đổ bộ ALINA và xe tự hành Audi Lunar Quattro (Ảnh: Haise.de)
Được phát triển với sự hợp tác của Audi, các xe tự hành sẽ có dây chuyền động điện 4 bánh, pin sạc, tấm pin năng lượng Mặt Trời, máy quay HD và hệ thống truyền dữ liệu LTE từ Mặt Trăng về Trái Đất. Công nghệ LTE có lợi thế lớn so với truyền dẫn vô tuyến thông thường – nó đòi hỏi ít năng lượng hơn, đồng nghĩa với việc xe tự hành sẽ có nhiều năng lượng hơn cho việc di chuyển.
“Chúng tôi sẽ thu thập các dữ liệu khoa học trên Mặt Trăng và kết nối dữ liệu tốc độ cao LTE sẽ cho phép xe tự hành liên lạc với các trạm thu phát trung tâm ALINA để gửi những dữ liệu có giá trị đó về Trái Đất”, kỹ sư điện của nhóm Karsten Becker nói với tờ Wired.
Các thiết bị sẽ được đưa lên Mặt Trăng nhờ tên lửa đẩy Falcon của hãng SpaceX (Ảnh: SpaceX)
Các xe tự hành Mặt Trăng được thiết kế để tạo ra khoảng 90 watt điện từ các tấm pin Mặt Trời. Một nửa sẽ dùng cho xe di chuyển và phần còn lại cho mục đích thu phát sóng.
PTScientists đang hướng tới việc trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa thành công một thiết bị bất kỳ – bao gồm cả robot lên Mặt Trăng. Sau nhiều năm quên lãng, Mặt Trăng đang dần được quan tâm trở lại, đặc biệt khi nhiều chuyên gia xem nó như một điểm trung chuyển quan trọng cho hành trình tham vọng đưa con người lên sao Hỏa.
Dự án khởi nghiệp này đón đầu cho tương lai con người sẽ xây dựng các căn cứ không gian trên Mặt Trăng (Ảnh: BBC)
Nếu dự án thành công, các chuyên gia của PTScient hi vọng có thể thiết lập một mạng viễn thông toàn diện trên Mặt Trăng trong tương lai không xa.
Becker nói với Space.com: ” Chúng tôi đang hướng tới cung cấp các giải pháp hiệu quả với chi phí thấp cho những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng các căn cứ trên Mặt Trăng. Bạn sẽ thấy rằng con người có thể sử dụng điện thoại – phương tiện liên lạc phổ biến nhất hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ trên đó. “.
Theo kế hoạch, trạm đổ bộ ALINA sẽ đáp xuống Mặt Trăng vào cuối năm sau. Chúng ta hãy cùng chờ xem những thành quả mà dự án táo bạo này mang lại.
Hoài Anh
Xem thêm: