Các nhà khoa học tại Đại học ETH Zurich đã phát triển ra một thiết bị mà họ gọi là “mũi điện tử nhỏ nhất và rẻ nhất” để phục vụ cho tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp xảy ra động đất và thiên tai.

Mũi điện tử siêu nhỏ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn
Mũi điện tử siêu nhỏ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn

Mũi điện tử này gồm một dãy cảm biến để nhận biết các hóa chất khác nhau, mà khi được tích tụ lại có thể đưa ra dấu hiệu chính về sự hiện diện của con người.

Dãy cảm biến được phát triển trên cơ sở công trình trước đó nhằm chế tạo các cảm biến nhận biết aceton, amonia và isoprene, những chất mà con người tiết ra thông qua hơi thở và da. Những nghiên cứu riêng biệt cho thấy rằng các hóa chất này có thể tích tụ nhanh chóng tại nơi con người bị mắc kẹt.

Chiếc mũi mới kết hợp các cảm biến trên với những cảm biến phát hiện CO2 và hơi nước, hai yếu tố cũng hiển thị cho sự xuất hiện của con người. Mũi điện tử có thể lắp vừa trong một thiết bị cầm tay, một robot hoặc máy bay không người lái để tìm kiếm tại các địa điểm không thể tiếp cận.

Vật liệu để làm dãy cảm biến là các tấm phim oxit kim loại với diện tích bề mặt cao, khiến chúng cực kỳ nhạy cảm để theo dõi sự tích tụ của các hóa chất cần đo.

Nhóm đã thử nghiệm dãy cảm biến này trên người ngồi trong buồng kín và cho kết quả rất khả quan. Họ sẽ thử nghiệm cảm biến trong điều kiện mô phỏng một trận động đất trước khi có thể áp dụng rộng rãi.

Với chiếc mũi điện tử này, các nhà khoa học tin tưởng rằng sẽ hỗ trợ tối đa cho công tác tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra động đất, khủng bố đánh sập các tòa nhà cao tầng…

TXL