Con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng cách đây 49 năm, nhưng lần gần nhất cũng cách thời điểm hiện tại 46 năm. Vì sao lại như vậy?
Lên Mặt Trăng chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ
Ngày 20/07/1969, phi hành gia Neil Amstrong, chỉ huy tàu vũ trụ Apollo 11 là người đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Ông cùng với cộng sự của mình, Buzz Aldrin là những người đầu tiên đến một hành tinh bên ngoài Trái Đất.
Ngày 19/11/1969, tức là chỉ 4 tháng sau, tàu vũ trụ Apollo 12 cùng 10 phi hành gia tiếp tục đổ bộ lên Mặt Trăng. Những năm sau đó, các chuyến tàu Apollo 13, Apollo 14, Apollo 15, Apollo 16 lần lượt thực hiện sứ mệnh đưa các nhà khoa học lên Mặt Trăng. Duy nhất chuyến tàu Apollo 13 không đến được đích vì gặp sự cố.
Và đến ngày 7/12/1972, tàu vũ trụ Apollo 17 mang theo 3 phi hành gia Eugene Cernan, Ronald Evans và Harrison Schmitt là chuyến tàu cuối cùng, là những người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng, kết thúc chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).
Vậy câu hỏi đặt ra là: Công nghệ hàng không vũ trụ ngày nay hiện đại hơn nhiều so với 46 năm trước, tại sao không một quốc gia nào khác ngoài Mỹ đưa con người lên Mặt Trăng?
Lên Mặt Trăng rất tốn tiền
Câu trả lời đơn giản là vậy. Rất nhiều nhà nghiên cứu và nhà đầu tư đã lên ý tưởng cho việc định cư trên Mặt Trăng, kết hợp xây dựng các trạm nhiên liệu hỗ trợ cho các nhiệm vụ thám hiểm vũ trụ sau này. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với bất kỳ dự án nào chính là nguồn kinh phí.
Sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ tài trợ thường niên cho NASA 19,5 tỷ USD, nhưng trên thực tế khoản kinh phí này vẫn quá ít ỏi. Năm 2005, NASA từng tính toán để quay trở lại mặt trăng, họ cần đến 104 tỷ USD, tương đương 133 tỷ USD ngày nay (nếu tính theo lạm phát).
Bên cạnh đó, việc lên Mặt Trăng giờ đây cần một mục đích rõ ràng. Những thành tựu từ chương trình Appollo đã được Chính phủ Mỹ và NASA chia sẻ với toàn thế giới. Các nhà khoa học làm cho NASA cũng đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau, kết quả của những cuộc thám hiểm cũng được chia sẻ trong toàn ngành hàng không vũ trụ. Vì vậy, chẳng có quốc gia nào muốn đưa các nhà khoa học của mình lên Mặt Trăng nữa.
Lên Mặt Trăng bây giờ có lẽ chỉ để du lịch
Gạt đi những thách thức về mặt chính trị, bước tiếp theo của việc đưa con người lên Mặt Trăng có lẽ chỉ để du lịch. Trong những năm gần đây có nhiều công ty theo đuổi tham vọng này. Tiêu biểu nhất là SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Đầu năm nay, SpaceX đã đưa tàu vũ trụ chở chiếc ô tô đầu tiên vào không gian nhờ một loại tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần gọi là Falcon 9. Sau thành công đó, Elon Musk tuyên bố sẽ đưa con người lên Mặt Trăng dạo chơi, ngắm cảnh vào năm 2019.
Chia sẻ cùng mơ ước, tỷ phú Jeff Bezos đang điều hành hãng hàng không Blue Origin cũng rất nóng lòng xây dựng một cơ sở trên hành tinh được ví như là một vệ tinh của Trái Đất. Bằng hệ thống tên lửa New Glenn tối tân, ông dự định sẽ mang những viên gạch lên Mặt Trăng xây nhà, xây khách sạn cho loài người.
Tất nhiên, dù với mục đích nào đi chăng nữa thì việc lên Mặt Trăng vẫn không hề rẻ. Mới đây Elon Musk đã tiết lộ chi phí mà một người cần phải bỏ ra nếu muốn du lịch Mặt Trăng sẽ rơi vào khoảng 500.000 USD. Một tấm vé đắt đỏ như vậy có lẽ chỉ dành cho giới nhà giàu nhưng rất nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả số tiền đó. Cũng theo Elon Musk, SpaceX thậm chí có thể sẽ ghé thăm mặt trăng trước Blue Origin và đương nhiên là cả lần trở lại Mặt Trăng của NASA trong tương lai.
T.Vũ