Tuần vừa qua, một đoạn video gây lú xuất hiện trên Twitter đã khiến cư dân mạng chia bè tranh cãi xôn xao. Cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải lên tiếng phân bua đúng sai.
Video đang được nhắc tới là một bản ghi âm trong đó có một từ được nói đi nói lại bằng giọng robot. Tranh cãi nảy sinh vì có người nghe được từ đó là “Yanny”, có người lại nghe được là “Laurel”. Video này lan tỏa khi được chia sẻ trên Twitter bởi nhà thiết kế Cloe Feldman, nhưng có vẻ như nó bắt nguồn từ diễn đàn Reddit.
Khảo sát trên mạng xã hội Twitter cho thấy 47% những người tham gia khảo sát nghe thấy “Yanny” còn 53% nghe thấy “Laurel”. Quả là một tỷ số cân bằng gây nhiều tranh cãi.
Là một người dùng Twitter gạo cội, Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng cũng không bỏ lỡ cuộc tranh luận sôi nổi này. Ông đã cho mọi người thấy câu trả lời của mình tuy nhiên ông không thiên về đáp án nào cả. Và hóa ra ông đã đúng, chúng ta có thể vận dụng khoa học giải thích vấn đề này.
Việc cần phải nói đến đầu tiên đó là video này có yếu tố dàn dựng. Bằng cách chỉ đưa ra trước 2 sự lựa chọn, nó khiến người xem vô thức chọn “Yanny” hoặc “Laurel”. Không phải ai cũng đủ tính táo giống như Tổng thống Mỹ nghĩ ra lựa chọn thứ ba là không chọn đáp án nào cả.
Theo như phiên bản gốc của bản ghi âm này thì “Lauriel” là đáp án chính xác. Phiên bản đang được dân tình chia sẻ rầm rộ trên mạng đã qua chỉnh sửa, nhằm mục đích đánh lừa thính giác của mọi người.
Càng lớn tuổi, tai của chúng ta càng có xu hướng giảm nhận biết các âm thanh có tần số cao. Nếu bạn nghe được “Laurel”, xin chúc mừng vì bạn vẫn đang sở hữu một tôi tai trẻ khỏe. Một người dùng Soundcloud có tài khoản xxv đã chứng minh điều này bằng cách giảm tần số đoạn ghi âm xuống 30%, lúc đó bạn sẽ dễ dàng nghe thấy Yanny. Ngược lại, nếu tăng tần số thêm 30%, khả năng cao bạn sẽ nghe thấy Laurel. Hãy cùng nghe thử các phiên bản đã được tăng giảm tần số bên dưới.
Bên cạnh đó, âm thanh được phát ra và lan truyền trong không khí còn phải chịu nhiều yếu tố làm biến đổi trước khi đến tai người nghe. Điều đó đồng nghĩa việc nghe đoạn ghi âm qua máy tính, điện thoại hay tai nghe đóng vai trò rất lớn quyết định kết quả mà bạn nghe được. Nhưng nếu cùng nghe tại một thời điểm, trong cùng một không gian và trên cùng một thiết bị mà những người xung quanh bạn vẫn có kết luận không giống nhau thì câu trả lời chính là do độ tuổi của bạn. Như giải thích phía trên, xin chia buồn vì có lẽ đôi tai của bạn đã quá già.
T.Vũ