Được biết đến như là một siêu hacker, Sean Parker khi còn ở trường trung học đã từng bị liệt vào danh sách đen về tài đột kích.

Bộ môn ưu thích nhất của anh là tấn công các trang web trên toàn thế giới. Thậm chí anh còn bị liệt vào danh sách đen của hầu hết các quốc gia.

Đối với những việc anh làm, gia đình Parker cũng biết được phần nào nhưng họ không ngờ được mức độ nghiêm trọng của những việc đó – cho đến một ngày, cha của anh phát hiện ngôi nhà của họ bị bao vây bởi vô số cảnh sát FBI… 

Các đặc vụ nói rằng, con của ông đã tấn công rất nhiều trang web của các chính phủ, và các căn cứ quân sự. Thậm chí trong khi cảnh sát ập vào trường học thì Parker vẫn đang trong tiết học về lịch sử.

Tuy nhiên, siêu hacker này đôi khi cũng làm một số việc tốt, chẳng hạn như, cậu đã dùng 25 triệu đô la số tiền bất chính để thành lập trung tâm nghiên cứu dị ứng Stanford.

Vậy làm thế nào mà hành vi của siêu hacker này lại bị phát hiện?

Vốn là một hacker thiên tài, cậu học sinh Parker chắc chắn biết làm thế nào để thoát khỏi sự giám sát. Nhưng vào một hôm, cha cậu thức dậy lúc 5 giờ sáng và nhìn thấy con mình vẫn đang ngồi trước máy tính. Đột nhiên ông nổi giận và chạy đến ném bàn phím của cậu đi.

Lúc đó Parker đang đột nhập vào một trang web cấm, để che giấu danh tính thì cậu phải đăng xuất ra. Nhưng cậu không thể thoát ra do bàn phím đã bị cha ném đi. Kết quả là FBI đã theo lần ra được dấu tích của cậu.

Sau khi chiến tích “vinh quang” của cậu được lan rộng, có rất nhiều tổ chức đã liên lạc để yêu cầu hợp tác phát triển phần mềm. Thậm chí trong đó cũng bao gồm cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Chỉ trong vòng 3 năm trung học ngắn ngủi, cậu đã kiếm được số tiền 80 nghìn đô la Mỹ.

Sau đó Parker đã gặp một hacker thiên tài 15 tuổi khác tên là Shawn Fanning. Hai cậu đã kết hợp với nhau để lập ra trang Napster – trang web đầu tiên trong lịch sử chuyên chia sẻ nhạc vi phạm bản quyền.

Sean Parker (trái) và Shawn Fanning (Ảnh: Youtube)
Sean Parker (trái) và Shawn Fanning (Ảnh: Youtube)

Sau khi trang web mới lên thị trường không lâu, đã có hơn 10 triệu tài khoản đăng kí trên Napster. Hành vi vi phạm bản quyền của họ đã khiến các công ty thu âm bị mất hàng trăm triệu đô la.

Toàn bộ ngành công nghiệp ghi âm đều bị ảnh hưởng nặng nề và họ đã liên kết lại để kiện Napster.

Mặc dù trang Napster cuối cùng cũng bị gỡ xuống, nhưng họ đã tạo ra một mô hình chia sẻ P2P (chia sẻ đồng đẳng giữa các máy tính cá nhân), kể từ đó cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc và đĩa CD bắt đầu trở nên lỗi thời.

Sau sư việc này, Parker một xu dính túi cũng không có, mỗi ngày cậu đều phải ngủ nhờ trên ghế sofa tại nhà một người bạn. Sau đó bạn gái cậu đã từng thuyết phục Parker làm bồi bàn trong một cửa hàng Starbucks.

Sau khi nghỉ ngơi một vài tháng, cậu sinh viên Parker đã đưa ra dự án tiếp theo – ứng dụng thông tin Plaxo, và thu được một khoản tiền đầu tư lớn từ công ty Sequoia Capital.

Công ty này mặc dù ít được biết đến nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng. Kĩ xảo marketing “virus” (lan tỏa) đã được các trang mạng xã hội lấy làm tham chiếu, trong đó bao gồm cả những trang thành công lớn như Facebook và Linkedin.

Sau khi công việc kinh doanh đã đi vào quỹ đạo, Parker bắt đầu trễ nãi trong công việc. Thậm chí các cuộc họp cậu cũng đến trễ vài giờ. Cuối cùng các cổ đông trong công ty Sequoia đã phải sa thải cậu vì không thể chịu đựng thêm được nữa.

Đang trong giai đoạn khó khăn thì Parker tình cờ gặp người sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg.

Với sự giúp đỡ của hacker này, Mark Zuckerberg đã xây dựng nên trang mạng xã hội thành công nhất, Parker kể từ đó cũng kiếm được hàng tỉ đô la.

Trên thực tế trong giai đoạn trước khi thành lập Facebook thì Sean Parker mới là người hiểu được tiềm năng thực sự của trang mạng xã hội này, thậm chí nhiều hơn chính nhà sáng lập Mark Zuckerberg.

Kỳ thực khi bị Parker lôi đến ngân hàng để mở tài khoản công ty, Mark Zuckerberg vẫn còn suy nghĩ về việc quay trở lại trường Harvard vào đợt khai giảng tới. Sau đó hai người đã có trận cãi nhau to tiếng ngay tại ngân hàng khiến cho phó chủ tịch của ngân hàng phải ngạc nhiên.

Sau khi Facebook trở nên nổi như cồn, Parker đã tìm được cơ hội trả thù công ty Sequoia. Dưới sự xúi giục của Parker, Mark Zuckerberg đã thực sự mặc bộ đồ ngủ để đi đàm phán với công ty Sequoia, cũng tại cuộc họp chính thức này cậu đã làm bẽ mặt người phụ trách. Bộ Phim “mạng xã hội” đã tái hiện lại cảnh báo thù này của Parker.

Cảnh Mark mặc pijama đến công ty Sequoia trong phim Mạng xã hội (Ảnh: Internet)
Cảnh Mark mặc pijama đến công ty Sequoia trong phim Mạng xã hội (Ảnh: Internet)

Bỏ lỡ cơ hội hợp tác cùng Facebook đã khiến cho công ty Sequoia phải mất ít nhất 5 tỷ đô la.

Parker không chỉ mạnh trên thương trường, mà việc chọn bạn đời cũng rất thú vị.

Hai người họ thường chơi đủ các loại trò Cosplay kỳ lạ (một loại trò chơi ăn mặc và trang điểm giống các nhân vật manga, phim giả tưởng…), họ còn biến đám cưới của mình thành một tiệc hoá trang Cosplay với chủ đề bộ phim “Chúa tể chiếc nhẫn”.

Để tạo ra bầu không khí mang đầy sắc màu bộ phim “Chúa tể chiếc nhẫn”, Parker đã chi 10 triệu đô la để tổ chức bữa tiệc cưới của mình tại khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn ở California.

Tất nhiên, hành vi phá hoại môi trường như vậy đã ngay lập tức vấp phải sự ngăn cấm từ các tổ chức chính nghĩa. Ủy ban ven biển California đã phạt Parker 2,5 triệu đô la.

Qua con đường của anh chàng hacker Sean Parker – tốt có, xấu có, chúng ta có thể thấy sức mạnh của công nghệ đã thay đổi thế giới nhiều như thế nào. Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của các công ty khởi nghiệp, ngành công nghệ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và các toan tính đầu tư, thâu tóm. Tài năng, nếu dùng cho những mục đích tốt đẹp sẽ mang đến những điều tuyệt vời, còn ngược lại, thì chính là thảm họa.

Theo NTDTV
Biên dịch: My My