Bảo tàng thường được lập ra để lưu giữ những hiện vật lịch sử và giới thiệu nó đến với công chúng, nhưng có một viện bảo tàng tại Mỹ, mặc dù trưng bày những thứ khiến ai cũng thích thú nhưng tất cả những người dân bình thường không bao giờ được phép bước vào – Bảo tàng của CIA.

Bảo tàng CIA nằm trong khuôn viên Trung tâm George Bush, thuộc trụ sở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Langley, bang Virginia được William E. Colby, Giám đốc CIA khởi xướng vào năm 1972 với mục đích giúp cho những nhân viên CIA vừa mới được tuyển vào, hiểu rõ hơn về tổ chức mà mình đang làm việc cùng những đóng góp của nó cho an ninh nước Mỹ.

Theo Colby, đây là “sự tích lũy rất chọn lọc với những thiết bị độc đáo, ghi lại từng thời điểm lịch sử”

Tại đây trưng bày hàng nghìn hiện vật được CIA sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử 70 năm hoạt động kể từ ngày nó còn là Cơ quan tình báo chiến lược OSS. Bởi vậy những người được phép vào đây chỉ là những nhân viên CIA hoặc những người “được mời”. Việc cho người ngoài tiếp cận nơi này có thể trở thành tiền đề cho những quốc gia khác phát triển thành những thiết bị “tình báo” tinh vi hơn.

bảo tàng CIA
Lối vào bảo tàng CIA (Ảnh: C-Span)

Bà Toni Hiley, người phụ trách bảo tàng cho biết sau lời kêu gọi của Colby, rất nhiều những nhà sưu tập tư nhân, các bảo tàng nhỏ, các điệp viên CIA đã nghỉ hưu mang đến các thiết bị mà họ đã từng sử dụng, nay giữ làm kỷ niệm, chẳng hạn như súng bắn ra mũi tên bé tí tẩm thuốc độc ngụy trang trong chiếc tẩu hút thuốc lá, máy truyền tin giấu trong đế giày, thậm chí có cả một ống nhỏ để nhận tin nhắn từ đài phát thanh rồi âm thầm chuyển đến tai người nghe bằng những rung động vào xương hàm, cùng những huy hiệu, quần áo, giấy tờ, hộ chiếu giả, tạo vỏ bọc cho những hoạt động tình báo ở nước ngoài…

Bảo tàng CIA
Súng bắn ra mũi tên siêu nhỏ tẩm thuốc độc ngụy trang trong chiếc tẩu hút thuốc lá (Ảnh: CIA Museum)

Hiện vật đầu tiên nên được nhắc tới là bộ máy tính chuyên dùng để giải mã những bức điện của Đức Quốc xã được mã hóa bằng máy Enigma. Hệ thống mã hóa của Enigma tinh vi đến mức nếu ai đó thu được một bức điện đánh đi từ chiếc máy ấy thì họ chỉ có 1/15 triệu tỉ cơ hội để giải mã bức điện.

Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, các chuyên gia OSS – tiền thân của CIA đã tìm ra manh mối. Do quá tự tin vào khả năng thần kỳ của Enigma, người Đức không buồn thay đổi bảng mã hóa trong suốt những năm chiến tranh và kết quả là OSS gần như “đọc” được 90% các bức điện được gửi đi từ máy Enigma.

Máy Enigma
Máy Enigma trong bảo tàng CIA (Ảnh: Toronto Star)

Tiếp đến khách xem nhiều khả năng sẽ chú ý đến một con chuồn chuồn bằng silicon với kích thước y như thật dùng để trinh sát. Con bọ này bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm 1970, bay được nhờ một động cơ cực nhỏ gắn trên lưng, còn ở giữa hai mắt là một camera chụp bằng vi phim. Thời ấy, công nghệ truyền trực tiếp từ camera về sở chỉ huy chưa phát triển nên sau khi chụp ảnh, chuồn chuồn bay về căn cứ rồi các chuyên gia tháo hộp vi phim đi in tráng.

Bà Toni Hiley nói: “Tuy có những hạn chế về tầm bay, thời gian hoạt động nhưng đây có lẽ là chiếc máy bay không người lái (UAV) điều khiển từ xa đầu tiên”.

Chuồn chuồn trinh sát (Ảnh: CIA Museum)

Tương tự như vậy, chim bồ câu cũng được huấn luyện để bay đến mục tiêu, chụp ảnh rồi bay về. Ở cổ chim, các chuyên gia lắp đặt vào cổ nó một camera tí hon, tự động chụp theo thời gian đã ấn định sẵn. Trước đó, họ cho chú chim có mang theo đồng hồ đo thời gian bay đến mục tiêu. Khi chim quay về, căn cứ vào dữ liệu trên đồng hồ, chuyên gia tính toán và lập trình trên máy ảnh để sao cho đúng thời điểm đó, màng trập trong máy ảnh sẽ tự mở ra để ghi hình.

Để do thám dưới nước, CIA đã chế ra một con cá da trơn có thể lặn sâu 50 mét và di chuyển trong nước liên tục gần 9 tiếng đồng hồ. Con cá này mang trên mình camera thu hình cùng những bộ cảm biến, ghi nhận tiếng chân vịt của những loại tàu chạy trên mặt nước. Khi cá quay lại căn cứ, chuyên gia CIA sẽ giải mã âm thanh thu được và từ đó, họ biết đó là tàu buôn hay tàu chiến, công suất máy, vận tốc của tàu.

bảo tàng CIA
Robot cá dùng để do thám dưới nước của CIA (Ảnh: CIA museum)

Khách tham quan cũng có thể nhìn thấy khẩu súng AK47 của Bin Laden và cuốn cẩm nang huấn luyện khủng bố mà nhóm đặc nhiệm SEALs, Mỹ, thu được sau khi Bin Laden bị tiêu diệt vào tháng 5/2011.

Người ta cũng có thể bắt gặp tại đây các thiết bị do thám được ngụy trang khéo léo để có thể lẫn vào mọi địa hình như cành cây, khúc gỗ, hòn đá…. CIA đã sử dụng một số lượng lớn thiết bị này để do thám các vụ thử hạt nhân của người Nga và thiết lập hàng rào điện tử Macnamara dùng để phát hiện các đoàn vận tải của quân Bắc Việt di chuyển trên đường Trường Sơn trong chiến tranh Việt Nam…

Bảo tàng CIA
Bà Toni Hiley, người phụ trách bảo tàng CIA (Ảnh: NBC News)

Với hơn 7000 hiện vật, việc chỉ kể tên thôi cũng thực sự là không thể. Có thể nói, nếu ai đã từng xem những phim về điệp viên 007, và cho rằng những thiết bị mà 007 sử dụng chỉ là chuyện giả tưởng thì thực tế, phần lớn trong số đó xuất hiện đầy đủ trong viện bảo tàng bí mật này. Nhưng đó chưa phải là tất cả…

Bà Toni Hiley cho biết thêm: “Hầu hết những thiết bị mà OSS – rồi sau này là CIA đã sử dụng trong công tác tình báo, gián điệp đều được trưng bày tại đây nhưng không phải là tất cả bởi lẽ như bạn biết, có những loại “đồ chơi” vẫn được giữ kín, chưa xuất hiện vì chưa đến thời điểm”.

Nhật Minh