Tỷ phú Bill Gates cùng các nhà khoa học Harvard khởi động dự án phun hàng triệu tấn bụi vào tầng bình lưu để cản bớt sức nóng của Mặt Trời.
Dailymail cho hay, mới đây Bill Gates cho biết ông đang xem xét hỗ trợ hơn 3 triệu USD để khởi động dự án “tạo mây che nắng cho Trái Đất”. Dự án này có tên Stratospheric Controlled Perturbation Experiment (viết tắt SCoPEx).
Theo các nhà khoa học tại ĐH Harvard, dự án sẽ cần hơn 800 phi cơ mỗi ngày để mang hàng triệu tấn bụi lên tầm cao 12 dặm (khoảng 19 km) so với bề mặt Trái Đất, sau đó phun vào tầng bình lưu. Về lý thuyết, bụi trong không khí sẽ tạo ra một tấm che nắng khổng lồ, ngăn cản một phần các bức xạ độc hại của mặt trời. Bên cạnh đó, lớp bụi không khí này cũng giúp hạ nhiệt trên Trái Đất, đồng thời ngăn chặn quá trình nóng lên toàn cầu.
Với số tiền tỷ phú Bill Gates dự kiến tài trợ, các nhà khoa học ĐH Harvard muốn làm một thử nghiệm nhỏ bằng cách sử dụng một khinh khí cầu mang khoảng 2kg bụi canxi cacbonat (calcium carbonate) có kích thước của một chiếc túi bột nhỏ vào khí quyển cách mặt đất 12 dặm trên sa mạc New Mexico. Những cảm biến trên khinh khí cầu sẽ ghi nhận lại hầu hết sự thay đổi về mật độ bức xạ trong ánh nắng mặt trời sau khi bị đám mây bụi chặn bớt và tác động của nó lên không khí mỏng xung quanh. Nếu mọi chuyện diễn ra như dự kiến, thử nghiệm này sẽ giúp tạo ra bóng râm khổng lồ che kín một diện tích lớn mặt đất, nhanh chóng giảm nhiệt độ cho hành tinh xanh của chúng ta, đồng thời ngăn chặn quá trình nóng lên toàn cầu. Trong 24 giờ sau đó, số bụi này sẽ được thu hồi và các nhà khoa học sẽ phân tích những số liệu thu thập được nhằm đánh giá tính hiệu quả của dự án.
Tuy nhiên, thử nghiệm này đang bị trì hoãn bởi những lo ngại rằng nó có thể gây ra một loạt phản ứng dây chuyền tai hại như thay đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, bão lụt và gây ra cái chết cho hàng triệu người trên thế giới.
Một trong những giám đốc của Harvard, ông Lizzie Burns, thừa nhận: ‘Ý tưởng của chúng tôi nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng sự thay đổi khí hậu còn nghiêm trọng hơn. Một hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia độc lập đã được thành lập để đánh giá tất cả các rủi ro có thể liên quan đến dự án này.
Được biết, dự án được đại học Harvard và tỷ phú Bill Gates lấy ý tưởng dựa trên vụ phun trào núi lửa Pinatubo ở Philippines vào năm 1991, một trong những vụ bùng nổ núi lửa khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, từng giết chết 700 người và khiến 200.000 người mất đi nơi ở. Nhưng nó cũng cho các nhà khoa học cơ hội theo dõi kết quả khi phát thải một đám mây hóa học rộng lớn vào tầng bình lưu.
Trong lần bùng nổ đó, núi lửa Pinatubo đã phun ra 20 triệu tấn tro bụi (ảnh dưới), tạo nên đám mây bụi khổng lồ che phủ một phần bề mặt Trái đất suốt 1 năm rưỡi. Đám mây bụi này đã khiến nhiệt độ toàn cầu giảm xuống 0.5 độ C trong vòng hơn 1 năm trước khi hoàn toàn tan biến.
Nếu dự án mây bụi này thành công, không chỉ hiện tượng nóng lên toàn cầu tự nhiên bị đẩy lùi mà sức khỏe nhân loại cũng cải thiện vì những tia bức xạ gây ung thư đã bị giảm đi đáng kể.
Quan ngại
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng kế hoạch này có thể gây ra những biến đổi khí hậu cực đoan, khi con người can thiệp vào tự nhiên, thậm chí nó có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước nghiêm trọng hơn cả việc nóng lên toàn cầu. Nếu đám mây bụi mất kiểm soát, nhiệt độ Trái Đất hạ thấp hơn mức cần thiết sẽ gây thảm họa toàn cầu, nhiệt độ sụt giảm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng các dòng hoàn lưu dưới đáy đại dương, giết chết những cánh rừng, các quần thể động thực vật.
Theo Janos Pasztor, một trong những chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới, ý tưởng sử dụng mây bụi này không hề mới mà người Trung Quốc đã từng thử nghiệm để bảo vệ những cánh đồng lúa của họ rồi. Mặc dù thí nghiệm đó đã thành công, nhưng hậu quả là ảnh hưởng đến gió mùa ở Ấn Độ 1 năm sau đó, khiến cho mùa màng thất bát, dẫn đến cái chết của hàng nghìn người.
Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ gây ảnh hưởng khí hậu toàn cầu có thể khiến các quốc gia trở nên thù địch với nhau, khi hành vi của nước này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nước kia.
Tuy nhiên, giáo sư David Keith – người chịu trách nhiệm dự án mây bụi của Harvard cho rằng sẽ không có hậu quả gì nếu họ kiểm soát được mật độ của đám mây và khiến cho nó mỏng ở mức độ phù hợp.
Nhìn chung, cho đến hiện tại, nội bộ giới khoa học gia thế giới đang chia rẽ nghiêm trọng vì dự án “mây bụi che nắng” này. Căn bản là có quá nhiều vấn đề kéo theo và chúng ta chưa thể lường trước được hết những hiểm họa có thể xảy ra từ dự án.