Trong khi các nước châu Âu đang hứng chịu những đợt gió lạnh thấu xương, khiến nhiệt độ xuống dưới 0°C thì tại Bắc Cực, các đợt không khí nóng khiến nhiệt độ nơi này tăng lên quá 0°C.
Theo Nationalgeographic, số liệu từ trạm khí tượng Cape Morris Jesup thuộc điểm cực Bắc đảo Greenland đã ghi nhận 1 ngày nhiệt độ lớn hơn 0. Nhiệt độ trung bình tại đây đang cao hơn mức bình thường hàng năm tới 25°C. Trong khi ở thời điểm này trước kia, nó thường rơi vào khoảng -30°C.
Sự kiện này đã khiến cho biển Bering (khu vực biển Bắc Thái Bình Dương) đang phải chứng kiến lượng băng thấp kỷ lục kể từ khi số liệu được theo dõi năm 1979. Sóng biển xuất hiện, băng đá vỡ ra ở các cực phía Tây Alaska, trong thời điểm đáng ra tất cả phải bị đóng băng hoàn toàn.
“Một hiện tượng chưa từng có” – Brain Brettschneider, một chuyên gia môi trường tại ĐH Alaska Fairbanks cho biết. “Lượng băng đá tại đây đang thấp hơn bất kỳ giai đoạn nào trong quá khứ, kể từ khi thời đại vệ tinh ra đời”.
Nói cách khác, đây là một kết quả đáng lo ngại. Theo tờ Mashable, tỷ lệ băng đá như vậy thậm chí còn là thấp nhất trong vòng 1.500 năm trở lại đây, dựa trên kết quả xét nghiệm các lớp băng vĩnh cửu tại đây.
Nằm cách Bắc Cực 640 km, trước kia, chỉ có đúng 2 lần trạm Cape Moris Jesup ghi nhận nhiệt độ trên 0, đó là vào tháng 2/2011 và năm 2017. Thế nhưng chỉ riêng tháng 2/2018, trạm đã phải chứng kiến hiện tượng này xảy ra tới 5 lần.
Trong khi đó tại châu Âu, rất nhiều quốc gia đang chịu đựng những đợt gió rét kèm lốc xoáy, khiến nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ trung bình khoảng 19°C. Ở nhiều thời điểm, nhiệt độ châu Âu còn thấp hơn khu vực Bắc Cực.
Theo tờ Washington Post, lần gần nhất Bắc Cực chạm đến điểm băng giá tan chảy vào mùa đông là thời điểm tháng 12/2016. Và giờ đây, các chuyên gia đang lo ngại rằng những sự kiện băng tan như thế này sẽ xảy ra thường xuyên hơn, vì tác động của không khí nóng từ các vùng xung quanh ngày càng trở nên phổ biến.
Hoài Anh