Ánh sáng nhân tạo tăng trưởng 2,2% mỗi năm, làm dấy lên mối lo ô nhiễm ánh sáng và nguy cơ mắc các chứng ung thư, tiểu đường và trầm cảm.

Theo một nghiên cứu mới do Tiến sĩ Christopher Kyba thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức thực hiện, ánh sáng nhân tạo đang tăng trưởng trung bình 2,2 % mỗi năm từ năm 2012 đến năm 2016.

Ánh sáng của đèn điện trên Trái đất khi được nhìn từ không gian năm 2012. Ảnh: shutterstock.com

Đối với nghiên cứu này, Kyba và nhóm của ông đã phân tích dữ liệu thu thập được từ Radiometer – hình ảnh hồng ngoại nhìn thấy từ không gian (VIIRS) của các vùng địa lý khác nhau trong suốt 4 năm. VIIRS được lắp đặt trên vệ tinh Suomi-NPP của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển NOAA và là thiết bị đầu tiên được thiết kế đặc biệt để nhận biết ánh sáng ban đêm.

Xu hướng chung của sự thay đổi về cường độ ánh sáng khác nhau rất nhiều theo thời gian và theo quốc gia (theo khu vực), nhất là với các nước đang phát triển. Theo đó, độ sáng ban đêm là tương đối ổn định tại một số quốc gia vẫn luôn được xếp hạng là “những quốc gia sáng nhất” như Mỹ, Tây Ban Nha. Hầu hết các quốc gia đang phát triển tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á đang ngày càng “sáng” hơn với mức độ tăng trung bình 2,2 % mỗi năm.

Chỉ một số ít các nước có độ sáng về đêm giảm, như Yemen và Syria, tuy nhiên cả hai quốc gia này đều trong tình trạng xảy ra xung đột, chiến tranh.

Ảnh chụp vệ tinh về đêm cho thấy những đường bờ biển sáng lóa và những luồng sáng giăng mắc như mạng nhện trong đêm thoạt trông thật lấp lánh và bắt mắt, nhưng hệ lụy của nó với sức khỏe con người và môi trường thì không “đẹp” như vậy. Ảnh: bbc.com

Chuyên gia Christopher Kyba cho rằng việc đưa vào sử dụng ánh sáng nhân tạo “là một trong những thay đổi vật lý đáng kể nhất con người từng tạo ra với môi trường của chúng ta”. Trong khi đó, theo giáo sư Kevin Gaston thuộc Đại học Exeter, con người đã “tự bao phủ những chế độ ánh sáng bất thường lên chính bản thân mình”. Ông nhận xét: “Lúc này rất khó để có thể tìm thấy được một nơi nào đó ở châu Âu vẫn còn một bầu trời đêm tự nhiên, đã không còn thứ ánh sáng buổi đêm mà tất cả chúng ta từng quen thuộc”.

Cần lưu ý rằng VIIRS không phát hiện ánh sáng ở các bước sóng dưới 500 nanomet, thứ ánh sáng “xanh” được tạo ra từ các loại đèn LED. Và “tầm nhìn của con người phụ thuộc vào độ tương phản, chứ không phải lượng ánh sáng nhiều hay ít”,”do đó, bằng cách giảm bớt độ tương phản ánh sáng ngoài trời, tránh những bóng đèn chói lóa thực sự sẽ cải thiện tầm nhìn tốt hơn”, “điều đó còn giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng”.

Về cơ bản, điều này có nghĩa là khi các thành phố đang thay thế đèn đường màu da cam cũ bằng các mẫu LED hiệu quả hơn về năng lượng nhưng thực chất đã gián tiếp làm cho bầu trời đêm của chúng ta ngày một sáng hơn.

Tuy kết luận từ các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học ở người, làm gia tăng nguy cơ mắc chứng ung thư, tiểu đường và trầm cảm. Nhưng thực tế cho thấy bất kể ở cấp độ quốc gia hay toàn cầu, việc giảm bớt lượng ánh sáng tại các bãi biển, các thành phố lớn dường như không phải là xu hướng mà con người đang hướng tới.

Nhật Minh