Cái tên Chernobyl mang theo nó một sức nặng nhất định và vẫn có thể làm mọi người lạnh sống lưng khi nhắc đến.
Khu vực xung quanh tàn tích của nhà máy hạt nhân này đã hoàn toàn bị bỏ hoang. Cần 20.000 năm nữa để nó an toàn trở lại. Còn hiện tại, khu vực này đang là một địa điểm hoang tàn lặng lẽ tràn ngập trong phóng xạ, minh chứng cho cái giá con người phải trả do sai lầm của mình.
Ngay cả nếu thảm họa này đã được nhiều người biết đến, một số phương diện xung quanh nó vẫn bị che khuất phía sau. Chúng ta sẽ liệt kê một số phương diện này dưới đây:
Đây không phải là tai nạn hạt nhân đầu tiên của Liên Xô
Chernobyl và Fukushima là những thảm họa có mức độ nghiêm trọng lên đến cấp độ 7 và được coi là một sự cố thảm họa kinh hoàng. Ngay sau đó là thảm họa cấp độ 6 Kyshtym. Thảm họa này xảy ra vào năm 1957 tại một trong những thành phố đóng cửa của Liên Xô là Chelyabinsk-40 (trước đây là Ozyorsk). Bởi vì thành phố này không tồn tại chính thức trên bản đồ nên họ đặt tên cho thảm họa này theo tên của thị trấn gần nhất. Vì Chelyabinsk-40 là nơi đặt một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân chuyên sản xuất plutonium cấp độ vũ khí, mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn đã được chủ định giữ bí mật.
Sự cố bùng phát vào ngày 29/9/1957 khi hệ thống làm mát cho một trong những bình chứa chất thải phóng xạ bị hỏng mà không ai biết. Sức nóng và áp suất tích tụ được đã tạo nên một vụ nổ thổi bay nóc bê tông nặng 160 tấn. Lớp mây phóng xạ phát ra đã bao phủ một diện tích rộng 20.000 km2 . Các nguồn tin cho biết khoảng 10.000 người dân địa phương đã được di tản trong vòng 2 năm sau đó nhưng số người bị ảnh hưởng trực tiếp cao hơn rất nhiều. Điều thú vị là CIA có biết về vụ tai nạn này nhưng lại im hơi lặng tiếng để bảo vệ ngành công nghiệp hạt nhân mới nổi của Hoa Kỳ.
Liên Xô muốn giấu diếm thảm họa này
Điểm trọng tâm trong thảm họa Chernobyl là sự phát nổ của lò phản ứng hạt nhân số 4, chỉ một giờ sau thời khắc nửa đêm vào ngày 26/4/1986. Một đám mây phóng xạ khổng lồ về cơ bản đã lan tỏa ra khắp Châu Âu vào ngày 28/4, khi chính quyền Liên Xô phát một đoạn thông báo dài 20 giây, trong đó không đưa ra thông tin chi tiết về mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn này. Thế giới đã phải tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.
Ba ngày sau vụ nổ, một nhà máy năng lượng hạt nhân ở Thụy Điển cách Chernobyl cả nghìn km đã thu được mức độ phóng xạ khiến cảnh báo của nó gióng chuông lên liên hồi. Kỹ sư hạt nhân Cliff Robinson nói rằng khi đó các chỉ số đo được cao đến nỗi ông thiết tưởng một cuộc chiến tranh hạt nhân đã nổ ra. Giống như một đứa trẻ làm vỡ bình hoa, Liên Xô chỉ thừa nhận vụ việc này khi bị gặng hỏi. Họ cũng đã cố gắng hết sức che giấu thông tin về quy mô của thảm họa này.
Mưa Chernobyl
Không gì có thể khiến chúng ta phải nghi ngờ nhiều hơn ngoại trừ những cơn mưa màu đen đổ xuống từ những bầu trời tối sầm. Nếu bỏ qua yếu tố ẩn dụ trong câu trên, thì đây chính xác là điều mà người dân Belarus đã phải chứng kiến sau khi thảm họa này bùng phát. Họ đã phải đối mặt với nồng độ phóng xạ cao gấp 20-30 lần thông thường, và ảnh hưởng của nó vẫn còn rất rõ rệt cho đến tận ngày nay. Vào dịp kỷ niệm 20 năm sau thảm họa, Đại tướng Alexei Grushin đã lên tiếng sau gần hai thập kỷ im lặng khi giải thích rằng cơn mưa màu đen hồi đó là do các phi công của Liên Xô tạo ra. Họ bay qua khu vực Chernobyl và Belarus, phát phóng hợp chất bạc iotua vào những đám mây, khiến nó đổ mưa xuống.
Họ làm như vậy để bảo vệ các thành phố chủ chốt như Moscow, Voronezh và Nizhny Novgorod. Vậy là, những người có tuổi đó đã hy sinh thiểu số để bảo vệ rất nhiều kỹ thuật của họ. Ai cũng được lợi, ngoại trừ những người phải hy sinh.
Những thợ lặn
Trong khi các phi công chiến đấu với bầu trời tràn ngập chất phóng xạ, thì có ba thợ lặn tình nguyện đã sẵn lòng ký vào bản án tử hình của mình khi lặn xuống bể chứa nước bên dưới lò phản ứng hư hại. Để ngăn chặn một vụ nổ hơi nước, lượng nước đó phải bị thoát ra để tránh tiếp xúc với các mảnh vỡ đang cháy âm ỉ. Bên trên bể chứa nước, ngọn lửa đã cháy trong vài ngày và sự hòa trộn giữa graphit và nhiên liệu đã bắt đầu cháy qua lớp sàn của lò phản ứng. Nếu nó nóng chảy ra đến vị trí những bể chứa nước, một vụ nổ khác sẽ xảy ra và thậm chí sẽ có nhiều vật chất phóng xạ hơn bị tràn vào bầu khí quyển.
Sau vụ nổ thứ nhất, các ống làm mát bị vỡ sẽ làm ngập nhà máy bằng vật chất phóng xạ và nước. Ba thợ lặn đã mở được cửa cống để tháo nước. Nhưng ngay sau khi trở về, họ đã xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm độc phóng xạ. Họ qua đời không lâu sau đó.
Khu rừng bất tử
Bao xung quanh nhà máy hạt nhân từng có một rừng thông gọi là Khu rừng Wormwood. Sau vụ tai nạn, những cây thông đó đã hấp thụ một lượng lớn chất phóng xạ, chết và khoác lên mình một sắc màu củ gừng khá kỳ dị, khiến người dân đặt tên cho nó là Khu rừng đỏ. Điều kỳ lạ là gần ba thập kỷ sau đó, những cái cây đã chết vẫn còn ở đó. Việc tiếp xúc với phóng xạ đã làm tiêu hủy những sinh vật đóng vai trò phân giải các chất trong cây. Tình trạng tích tụ các bụi cây chết này có khả năng trở thành tác nhân cho một cơn cháy rừng khủng khiếp nếu tốc độ phân hủy thực vật không phục hồi lại.
Nơi tự nhiên phát triển một cách không tưởng
Bất cứ nơi nào con người đặt chân đến, tự nhiên đều phải nhường đường. Tự nhiên cũng rất nhanh chóng giành lại bất cứ nơi nào bị con người bỏ hoang, ngay cả nếu đó là địa điểm diễn ra một vụ tai nạn hạt nhân. Ở khu vực xoay quanh Chernobyl, hàng trăm con hươu, gấu, lợn rừng, hải ly, và chim hoang dã đã sinh sống trên lãnh thổ này và chúng dường như vẫn rất ổn.
Kỳ lạ hơn nữa, sự sống còn có thể sử dụng vật chất phóng xạ làm nguồn thực phẩm của mình. Vào năm 2002, một robot được gửi vào lò phản ứng có nồng độ hạt nhân cao đã mang về nhiều mẫu vật nấm đen. Chúng chứa nồng độ cao chất melanin và dường như có thể sinh trưởng trong môi trường bên trong lò phản ứng. Cũng giống như diệp lục sẽ giúp biến đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng hóa học, chất melanin trong nấm sẽ sử dụng bức xạ ion hóa để sản sinh ra nguồn năng lượng.
Phát hiện này có thể góp phần tạo ra những kỹ thuật làm sạch mới có khả năng tự lực và ít có ảnh hưởng gây hại hơn đến môi trường.
Đăng tải với sự cho phép từ Locklip. Đọc bản gốc ở đây.
http://locklip.com/6-things-you-didnt-know-about-chernobyl/
Biên dịch: Quý Khải; Biên tập: Phan A