Lịch sử thế chiến 2 có thể đã thay đổi nếu các kỹ sư của Hitler kịp hoàn thiện các dự án vũ khí tham vọng nhất dưới đây.
1.Máy bay ném bom tàng hình
Được đề cập đầu tiên trong số những vũ khí bí mật của Hitler là máy bay ném bom tàng hình Horten Ho 229. Nó được thiết kế để mang gần 1 tấn vũ khí, bay ở độ cao 15 km với tốc độ 268m/s.
Trang bị 2 động cơ phản lực, 2 khẩu pháo, tên lửa R4M, Horten Ho 229 là máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới khi thực hiện chuyến bay khởi động năm 1944. Theo Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian, Tư lệnh Không quân Đức lúc bấy giờ là Hermann Göring đã chi nửa triệu Reich Mark cho 2 anh em Reimar và Walter Horten để xây dựng và bay thử một vài nguyên mẫu.
Tuy nhiên, do có nhiều vấn đề, Horten không được sử dụng lâu trong chiến đấu. Nhưng thiết kế kỹ thuật của nó thực sự đã truyền cảm hứng cho máy bay ném bom tàng hình hiện đại ngày nay như Northrop Gruman B-2.
2. Bom dẫn đường sóng vô tuyến Fritz X
Được xem là “ông tổ của các loại bom thông minh”, Fritz X nặng khoảng 1.500 kg, được trang bị 1 máy thu vô tuyến và bộ điều khiển hiện đại có thể dẫn bom đến đúng mục tiêu. Theo Không quân Mỹ, Fritz X có thể xuyên thủng giáp sắt dày khoảng 70 cm và có thể được bắn từ độ cao 6 km, độ cao ngoài tầm bắn của vũ khí hạ máy bay thời điểm đó.
Gần một tháng sau khi được phát triển, Đức Quốc đã xã đánh chìm tàu chiến Roma của Italy bằng loại bom này ngoài khơi Sardinia vào tháng 9/1943. Tuy nhiên, việc sử dụng Fritz X trong chiến đấu vẫn hạn chế vì chỉ vài máy bay của Không quân Đức được thiết kế để mang loại bom này.
3. Mìn điều khiển từ xa Goliath
Mìn di động Goliath của Đức Quốc xã, được quân đội Mỹ gọi là “Doodlebug”, được điều khiển từ xa bằng 1 cần điều khiển và chạy bằng 2 động cơ điện, sau đó được thay bằng bộ đốt khí. Goliath có thể mang từ 60 đến 100 kg thuốc nổ có sức công phá lớn, vượt qua các bãi mìn và chuyển chất nổ tới vị trí tấn công mục tiêu. Đức Quốc xã đã chế tạo hơn 7.000 mìn Goliath trong chiến tranh. Nó là vũ khí mở đường cho thiết bị quân sự điều khiển bằng vô tuyến.
4. Máy bay siêu tốc độ
Cuối những năm 1930, người Đức phát triển Messerschmitt Me 163 Komet – máy bay phản lực mang động cơ tên lửa có tốc độ lên tới hơn 1.100 km/h. So với máy bay được quảng cáo rầm rộ là nhanh nhất vào thời điểm đó – P-51 Mustang của Mỹ, Me 163 có tốc độ nhanh hơn gần 500km/h.
Bay với tốc độ nhanh như vậy khiến cho loại máy bay này vừa có lợi vừa có những hạn chế. Nó đủ nhanh để tránh hỏa lực của đối phương nhưng quá nhanh để có thể tấn công lại máy bay của quân đồng minh.
Hơn 300 chiếc máy bay Me 163 đã được chế tạo và chúng đều được trang bị những khẩu pháo kép cỡ nòng 30 mm.
5. Tên lửa đạn đạo
Các kỹ sư Đức đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tạo ra một loại tên lửa có khả năng tấn công chính xác từ cự li xa với đầu nổ tấn công lớn. Thành quả của dự án này là loại tên lửa A4 (V2).
Các tên lửa đạn đạo đã không thể tạo một bước ngoặt quan trọng cho chiến tranh thế giới lần hai do tham chiến quá muộn và hệ thống xác định mục tiêu chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, ảnh hưởng về tâm lý do chúng gây ra đối với người dân và đối thủ của Đức quốc xã thì lại vô cùng to lớn: ở Đức, niềm tin của các quân nhân vào chiến thắng cuối cùng ngày càng được củng cố; trong khi ở vương quốc Anh và Bỉ – hai mục tiêu chính của V2, cơ sở hạ tầng bị tổn thất rất lớn, người dân càng lúc càng thấy sự cần thiết của việc đánh bại chế độ Đức quốc xã.
Tên lửa V2 tuy không thể giúp người Đức giành thắng lợi nhưng sau đó đã trở thành nền tảng của tất cả những tên lửa do Liên Xô và Hoa Kỳ sản xuất sau chiến tranh thế giới lần hai, trong đó có cả các tên lửa dùng cho các sứ mệnh đưa con người vào vũ trụ.
Hoài Anh