Các nguyên lý khoa học được áp dụng nhuần nhuyễn trong các kỹ thuật chiến đấu của Vịnh Xuân Quyền, phần nào lý giải nguyên nhân dù mới chỉ xuất hiện cách đây hơn 200 năm, môn phái này đã nhanh chóng trở thành một võ phái nổi tiếng, một môn quyền thuật khiến các bộ phái khác luôn phải vài phần dè chừng, kính nể.
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Vịnh Xuân Quyền nhưng giả thuyết hợp lý nhất là môn võ này xuất phát từ Nam Thiếu Lâm, Phúc Kiến vào những năm Gia Khánh triều nhà Thanh trong giai đoạn cực thịnh của phong trào phản Thanh phục Minh ở Hoa lục cách đây hơn 200 năm.
Thời đó, do phong trào đang lên mạnh nhưng việc đào tạo theo các trường phái võ thuật trước đó cần rất nhiều thời gian (khoảng 15-20 năm) mới có thể có được một cao thủ nên cấp thiết cần một kỹ thuật chiến đấu ưu việt hơn để trong một thời gian ngắn có thể phát triển lực lượng và đối địch lại với chính quyền Mãn Thanh.
Kết quả một môn võ tổng hợp ưu điểm, rút kinh nghiệm các nhược điểm từ các môn phái khác đã ra đời mang tên Vịnh Xuân quyền với thời gian đào tạo được một cao thủ không quá 10 năm.
1.Tấn công theo đường thẳng
Trong các kỹ thuật chiến đấu của Taekawondo, karatedo, wushu hay thậm chí cả quyền anh. Các đòn đánh thường được tung ra theo hình vòng cung. Nắm đấm sẽ xuất phát từ vùng eo, vòng ra ngoài thân thể, di chuyển theo một đường cong tới vùng đầu hoặc bên thân đối phương.
Khác với đó, các đòn tấn công của Vịnh Xuân Quyền thường đi theo một đường thẳng. Chẳng hạn, trong kĩ thuật Tam liên thủ, nắm đấm xuất phát từ chính giữa ngực, phóng thẳng trực tiếp ra phía trước nhằm vào vùng mặt hoặc ngực của đối phương.
Nguyên nhân cho việc này xuất phát từ một nguyên lý toán học rất quen thuộc với chúng ta – “Đường thẳng là đường có khoảng cách ngắn nhất nối giữa hai điểm A và B xét trên cùng một hệ quy chiếu.”
Do có cùng lực ra đòn, khoảng cách ngắn nhất đồng nghĩa với việc thời gian hoàn thành đòn tấn công sẽ là ngắn nhất. Nếu giả thuyết một võ sinh Karatedo và một võ sinh Vịnh Xuân ra đòn cùng một lúc với lực độ tương đương. Chắc chắn võ sinh Karatedo sẽ dính đòn trước khi đòn tay của anh ta kịp chạm đến người võ sinh Vịnh Xuân.
2. Tấn pháp độc đáo, dễ tránh đòn
Thay vì trung bình tấn, Vịnh Xuân Quyền sử dụng kĩ thuật tấn Kiềm dương mã tự để đảm bảo khả năng linh hoạt. Nếu thử đứng tấn, bạn sẽ nhận ra rằng, tấn pháp càng thấp thì trọng tâm cơ thể càng thấp, độ vững chắc lớn nhưng tính linh hoạt của thân thể càng giảm. Mà trong võ thuật, yếu tố linh hoạt quan trọng hơn rất nhiều yếu tố đứng vững tại một vị trí cố định.
Tấn pháp này cũng chắc chắn và rất ưu thế khi chiến đấu trên các bề mặt không ổn định như trên thuyền bè, cầu thang hay các vị trí có không gian hẹp… vốn không phải là nơi trung bình tấn có lợi thế.
Ngoài ra, do đầu gối hơi khép vào trong, kiềm dương tấn là thế tấn duy nhất ở chính diện có đủ độ kín đáo, có thể nhanh chóng kẹp chặt hai đùi, để thủ thế và bảo vệ vững chắc trước những đòn tấn công vào hạ bộ, linh hoạt và hiệu quả hơn hẳn các tấn pháp thường thấy ở các môn phái khác.
Kiềm dương tấn còn có một điểm độc đáo nữa là khả năng tránh đòn. Trong tư thế tấn này, khi bị tấn công trực diện, thay vì phải di chuyển, nhảy tránh né, võ sinh Vịnh Xuân chỉ cần xoay bàn chân 45 độ là phần thân trên có thể đạt góc xoay 90 độ và tránh được đòn.
3. Đánh áp sát cự li gần
Một nguyên tắc mà người học Vịnh Xuân Quyền đều biết là “Xả kỉ tòng nhân” nghĩa là “Quên mình theo đối thủ”. Họ luôn giữ một khoảng cách rất gần với đối phương (khoảng 0.5m). Đối thủ lùi thì mình tiến lên.
Ở cự li gần như vậy, hầu hết các đòn đá của các môn thiên về đánh xa như Taekawondo đều vô hiệu. Nếu có đủ khoảng cách để đá, ngay khi đối thủ tung đòn, võ sinh Vịnh Xuân Quyền cũng nhanh chóng áp sát và chặn đòn một cách dễ đàng tại vùng đùi của đối phương.
Nguyên nhân là khi phân tích lực, chúng ta dễ thấy lực của các đòn đá tập trung lớn nhất ở khu vực cẳng chân. Áp sát đối phương thì phần cẳng chân không thể chạm được đến cơ thể, sau đó tấn công gốc lực tại vùng đùi thì không cần dùng lực kháng cự lớn mà vẫn hóa giải được đòn thế của đối phương một cách dễ dàng.
4. Tung đòn bằng toàn bộ trọng lượng cơ thể
Những ai hâm mộ môn võ Vịnh Xuân đều có thể dễ thấy một hiện tượng là phần lớn các cao thủ trong môn này đều khá gầy, mảnh mai nhưng lực do họ tung ra có thể đánh một người to lớn, nặng 70-80 kg bật ra vài ba mét. Tại sao lại có chuyện như vậy?
Khoan nói về phương diện nội công, quan sát và phân tích cách ra đòn của Vịnh Xuân Quyền, có thể nhận thấy rằng các đòn thế được tung ra đều kết hợp rất nhịp nhàng với lực xoay của thân thể. Bằng cách này, đòn thế thay vì chỉ mang sức mạnh của phần vai và tay sẽ mang sức mạnh của toàn bộ cơ thể.
Theo công thức tính lực : F = m (khối lượng) x a (gia tốc)
Giả sử võ sinh nặng 50 kg, như vậy phần vai và tay sẽ có khối lượng khoảng 5 kg. Do gia tốc không đổi, lực đánh tung ra nếu đúng kĩ thuật ra đòn sẽ có lực mạnh gấp 10 lần so với những người không biết phát lực. Với lực đánh đó, một người có thân hình to lớn hơn cũng dễ dàng bị hạ gục.
5. Một đòn xuất ra đều hàm chứa cả hai yếu tố công – thủ
Cách thức chiến đấu của đa số các môn phái võ thường theo nguyên tắc “Gạt tránh đòn sau đó phản công”. Nhược điểm của phương cách này là đối thủ ra đòn, bạn tập trung đỡ đòn thế đó, đỡ được xong cũng là lúc tay còn lại của đối thủ tung đòn thứ hai và bạn lại cần dùng tay thứ hai của mình để đỡ. Cứ như vậy, cả hai bên sẽ đấu quyền cước qua lại và rất khó kết thúc trận đấu nếu quyền thuật và sức mạnh của cả hai tương đương nhau.
Trong Vịnh Xuân Quyền, người ta lại áp dụng một nguyên tắc khác tối giản và có tính tổng hợp cao khi một đòn đánh ra đều hàm chứa cả hai yếu tố công – thủ. Phương cách này cho phép chiêu thức đánh ra vừa đỡ đòn vừa tấn công khiến đối thủ rất khó chống đỡ.
Rõ ràng khả năng thực chiến cao của Vịnh Xuân Quyền có ẩn tàng trong đó lý do của nó, chứ không phải chỉ là hư danh, trí tuệ của người xưa quả thật không đơn giản, họ đã chứng ngộ được rất nhiều điểm cao thâm.
Tất nhiên, bài viết chỉ đứng trên quan điểm, nhận định của tác giả, không thể bao quát hết tất cả các nguyên lý, cũng không có ý chê bai các môn phái khác. Mỗi môn phái đều có những nét độc đáo riêng và người ta dù học bất kể môn nào cũng cần phải đạt được thành tựu cao trong môn đó mới có thể tự tin xưng là đệ tử, nếu không sẽ mãi chỉ giống như sinh viên đại học mà lại cầm sách của học sinh tiểu học mà thôi.
Hoài Anh