Không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, chó là một trong những vật nuôi phổ biến nhất, nhưng không phải lúc nào nó cũng là người bạn thân thiết, mà nó cũng là loài động vật rất nguy hiểm đối với con người. Tại Mỹ, mỗi năm khoảng 4,7 triệu người bị chó cắn, 800.000 người phải cần đến sự can thiệp y tế. Nếu biết rằng loài chó rất nhạy cảm với chuyển động, nó sẽ lấn tới khi đối phương sợ hãi… và những kỹ năng phòng, chữa, sẽ giúp bạn và người thân nếu không may bị chúng tấn công.

Chó là một trong những vật nuôi phổ biến nhất của con người trong suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, người bạn thân thiết này đôi khi có thể trở nên rất nguy hiểm đối với chúng ta. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, ước tính xấp xỉ 4,7 triệu người Mỹ bị chó tấn công mỗi năm, và khoảng 800.000 người phải cần đến sự can thiệp y tế. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì mỗi năm nước ta có khoảng 400.000 trường hợp bị chó cắn. Và năm 2017 vừa rồi đã kết thúc với 63 người chết vì bệnh dại.

Điều đó cho thấy rằng bị chó tấn công là một sự cố không hiếm gặp, và chúng ta nên biết cách ứng phó trong những tình huống này để giảm thiểu tối đa nguy hiểm cho bản thân.

Theo Bright Side, dưới đây là những khuyến nghị hữu ích nhất của các chuyên gia để giúp bạn an toàn khi bị chó tấn công.

Ai là người có nguy cơ bị tấn công?

Trong hầu hết các trường hợp, thì người chạy bộ, người đi xe đạp, và những người di chuyển nhanh là đối tượng dễ bị tấn công. Nguyên nhân là do chó phản ứng mạnh hơn với các chuyển động, và điều đó sẽ kích phát bản năng đuổi theo của chúng. Ngoài ra, chó có thể nghĩ rằng một số khu vực là thuộc quyền sở hữu của chúng, và nếu bạn có vô tình xâm lấn thì chúng có thể sẽ cố gắng bảo vệ lãnh thổ của mình. Vậy phải làm sao khi bạn thấy một con chó đang chuẩn bị tấn công mình?  

Nói chung, những người di chuyển nhanh là đối tượng dễ bị tấn công. (Ảnh: lifestyle.kompas.com) 

Phần 1: Tránh cuộc tấn công

Đừng hoảng sợ – rất quan trọng đấy

Nhiều người tin rằng chó và một vài loài động vật khác có khả năng ‘đánh hơi’ được sự hoảng sợ của con người. Không phải là chúng thật sự có thể cảm nhận được nỗi sợ, mà chỉ là chúng trở nên tự tin hơn khi thấy con mồi bị dọa sợ. Vậy nên, cho dù rất khó khăn, nhưng hãy cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh. Nếu con chó thấy rằng nó không thể dọa sợ bạn, nó có thể nghĩ rằng bạn là một người nguy hiểm và không dễ trêu chọc.

Đừng cố gắng chạy trốn

Điều đầu tiên cần ghi nhớ, đó là chó chạy nhanh hơn hầu hết những người bình thường chúng ta. Hãy chấp nhận thực tế này, rằng bạn không thể chạy nhanh hơn chúng được đâu, hơn nữa cũng không đáng để thử làm vậy. Thứ hai, việc chạy trốn sẽ kích phát bản năng đuổi theo của chúng, nên bạn có thể sẽ tạo ra rắc rối cho chính mình, bởi có thể ban đầu con chó không có ý định gây tổn hại bạn.

Điều đầu tiên cần ghi nhớ, đó là chó chạy nhanh hơn hầu hết những người bình thường chúng ta. (Ảnh: silverthorneattorneys.com)

Đứng yên

Nếu bạn đang chạy, thì hãy chạy chậm dần và chuyển sang đi bộ và rồi dừng hẳn lại. Có nhiều khả năng là con chó xem bạn như một mối đe dọa khi nó thấy bạn di chuyển quá nhanh. Nếu bạn dừng lại, con chó có thể sẽ thấy hết hứng thú với bạn và bỏ đi. Tốt hơn là bạn nên đứng ngang so với con chó, vì sẽ khiến bạn trông thanh mảnh hơn trong mắt nó, điều này đồng nghĩa với việc bạn ít đe dọa nó hơn.

Đừng nhìn vào mắt con chó

Nhìn thẳng vào mắt chó có thể khiến nó trở nên hung hăng hơn, đây có thể là lý do khiến nó tấn công bạn. Hành động sáng suốt nhất là làm sao để vẫn quan sát được con chó, nhưng tránh nhìn trực tiếp vào mắt nó. Điều này có thể báo hiệu cho con chó rằng, bạn không có ác ý, và nó có thể sẽ để bạn đi mà không gây tổn hại gì.

Nắm tay lại

Không phải là để đánh nhau. Việc nắm tay lại là cần thiết để bảo vệ các ngón tay của bạn không bị cắn đứt. Nếu có áo sơ mi khoác ngoài thì hãy dùng áo quấn quanh cánh tay của bạn, để bảo vệ phần mạch máu ở mặt dưới cánh tay. Nếu chẳng may bị chó cắn, thì hãy để nó cắn vào phần cẳng tay, như vậy cũng giúp hạn chế tổn thương và giúp bạn dễ thoát thân hơn.

Nắm tay lại, và quấn áo xung quanh tay để bảo vệ các mạch máu quan trọng ở mặt dưới cánh tay. (Ảnh: Pinterest)

Dùng đồ vật khác để đánh lạc hướng con chó

Nếu bạn có thứ gì đó trong tay, hãy ném nó theo một hướng khác. Thứ này có thể là chai nước, túi xách, áo khoác ngoài, hoặc bất cứ thứ gì khác mà bạn vớ được. Nếu bạn không có gì để ném, thì hãy giả vờ như thể bạn vừa nhặt thứ gì đó từ mặt đất lên và ném nó ra xa. Rốt cuộc thì chó là loài động vật rất ham vui. Đánh lạc hướng con chó có thể sẽ cho bạn thời gian cần thiết để trốn thoát.

Chó là loài động vật ham vui, nên bạn có thể ném đồ vật nào đó ra xa để đánh lạc hướng chúng. (Ảnh: ar.pinterest.com)

Ra lệnh cho con chó “Lùi lại!”

Nếu con chó không muốn mọi chuyện tốt đẹp, thì bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cứng rắn nói với nó bằng giọng đanh thép: “Không được làm thế!” hoặc “Lùi lại!”. Hãy đảm bảo rằng giọng của mình tự tin và mạnh mẽ. Nếu giọng của bạn giống như một đứa trẻ con 5 tuổi thì con chó sẽ cảm nhận được, và bạn có thể sẽ gặp nguy hiểm hơn.

Nếu bạn không thể tránh khỏi việc bị tấn công thì sao? Bạn phải làm gì để giảm thiểu tổn thương xuống mức thấp nhất có thể?

Phần 2: Tự vệ

Đánh trả lại  

Nếu con chó bắt đầu cắn bạn, ngay cả sau khi bạn đã thể hiện hết tất cả kỹ năng đàm phán của mình, thì bạn cần làm mọi cách để có thể bảo vệ bản thân. Hãy cố gắng đánh vào mũi, họng hoặc vào sau đầu nó. Một cú đập trúng đích có thể cho bạn thêm thời gian để trốn thoát.  

Hãy cố gắng đánh vào mũi, họng hoặc vào sau đầu của con chó. (Ảnh: The Puppy Institute)

Kêu to gọi trợ giúp

Chó có thể gây chết người, và bạn nên biết điều đó. Vậy nên, kêu cứu trong trường hợp này không có gì là quá đáng cả, hơn nữa, rất có thể ai đó sẽ nghe thấy và giúp bạn thoát khỏi con chó.

Bảo vệ mặt và cổ của bạn

Đừng để con chó tiếp cận được những bộ phận quan trọng của cơ thể như cổ và mặt. Cố gắng đặt một vật cản gì đó giữa bạn và con chó. Hoặc dùng trọng lượng cơ thể để ấn con chó xuống mặt đất. Vũ khí duy nhất của con chó là hàm răng sắc nhọn lởm chởm. Nếu bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi hàm răng đó, bạn sẽ giành phần thắng trong trận chiến này. Mục tiêu của bạn là giữ cố định chắc đầu của con chó – bạn có thể làm được bằng cách ấn thật chặt cổ của nó.

Giả sử là bạn đã cho con chó một bài học, nó bị dọa sợ và chạy đi. Vậy bạn nên làm gì tiếp theo?

Phần 3: Sau cuộc tấn công

Đi gặp bác sĩ

Dù là vết thương nhỏ nhất cũng có thể dễ dàng bị nhiễm trùng, nên bạn cần phải biết một số kiến thức sơ cứu cơ bản.

Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu đơn giản, hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iot hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương, và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa khỏi bị bệnh dại.   

Sau khi sơ cứu, tốt nhất vẫn nên đến gặp bác sĩ. (Ảnh: Bloating Tips)

Báo cáo về con chó

Gọi cho các nhà chức trách địa phương và thông báo cho họ biết về tai nạn này. Mô tả lại mọi điều bạn có thể nhớ được. Những thông tin này có thể sẽ giúp cứu mạng ai đó sau này.

Bị chó tấn công chắc chắn là sự cố không một ai muốn gặp phải. Hậu quả của nó có thể rất nghiêm trọng, nhưng hậu quả có thể sẽ được giảm nhẹ nếu như bạn biết cách làm thế nào để ứng phó. Hãy trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để có thể đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân, và những người xung quanh trong những trường hợp không may này.  

Ngọc Thuần