Liên quan đến việc cháu bé 9 tuổi người Australia mới mua chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng và đề nghị hoàn thuế tại sân bay Nội Bài, Tổng cục Hải quan vừa chính thức lên tiếng.

Phó cục trưởng Hải quan TP. Hà Nội Lê Ngọc Khiêm vừa ký văn bản gửi Tổng cục Hải quan nêu một số vướng mắc khi xử lý việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài, theo báo Zing.vn.

Cụ thể, Chi cục Hải quan tại sân bay quốc tế Nội Bài gặp trường hợp một cháu bé 9 tuổi mang quốc tịch Australia đứng tên tờ khai đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng với tư cách người mua hàng. Hàng hóa được cháu bé Australia mua là một chiếc đồng hồ có giá 6 tỷ đồng.

Đối với trường hợp này, Tổng cục Hải quan cho biết, cháu bé có hai hộ chiếu Việt Nam và Australia. Khi xuất cảnh đã xuất trình hộ chiếu Việt Nam, do vậy, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài – Cục Hải quan TP Hà Nội đã từ chối hoàn thuế VAT đối với trường hợp này do không thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 72/2014/TT-BTC ngày 30-5-2014 của Bộ Tài chính, theo Vietnamnet.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, Thông tư số 72/2014/TT-BTC chưa quy định cụ thể về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế. Do vậy, để ngăn ngừa các trường hợp có thể lợi dụng chính sách, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Một số thông tin cho rằng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài đã tỏ ra lúng túng và xin ý kiến Tổng cục Hải quan.

Ý kiến cuối của của Cục Hải quan Hà Nội liên quan đến việc phát hành hóa đơn giá trị già tăng kiêm tờ khai hoàn thuế của một doanh nghiệp.

Cụ thể, công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam đã phát hành riêng hóa đơn ghi các thông tin hàng hóa chung chung. Một số trường hợp, hóa đơn chỉ ghi “hàng may mặc, phụ kiện” hoặc kèm áo, túi và mã sản phẩm do công ty quản lý mà không ghi nhãn hiệu của sản phẩm.

Theo Louis Vuitton, các mã sản phẩm đã được in trên nhãn giấy. Nhãn này có thể được đính kèm với hàng hóa hoặc đặt bên trong. Với trường hợp này, khi kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức sẽ đối chiếu mã sản phẩm trên hóa đơn với mã sản phẩm trên nhãn giấy rời.

Từ đó, Cục Hải quan Hà Nội đặt vấn đề nếu khách hàng đã sử dụng sản phẩm, không còn nhãn giấy đính kèm liệu có được thực hiện hoàn thuế hay không; các trường hợp ghi thông tin chung chung như “hàng may mặc”, “phụ kiện”, nếu mã sản phẩm đã phù hợp thì có được chấp nhận hay không; việc công ty không ghi nhãn hiệu của sản phẩm trên hóa đơn và chỉ ghi chung chung như thế có đúng luật hay không.

Thanh Thanh (tổng hợp)