Theo Vietnamnet, thách thức lớn nhất của nhóm là mạng 5G còn nhiều thành phần cần được điều chỉnh tối ưu, từ tần số thử nghiệm, số lượng tần số, thiết bị đầu cuối, tương quan vùng phủ và vị trí phát… Khi nhà mạng này hoàn thành các bài test và hiệu chỉnh, sẽ có sự thay đổi lớn về tốc độ truy cập dữ liệu di động tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Việc sớm tiếp cận và thử nghiệm công nghệ mới giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thế giới. Điều này rất khác so với việc triển khai 4G, bởi khi đó tất cả các đối tác đều đã có kinh nghiệm và công nghệ đã cũ.
Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã cấp phép thử nghiệm dịch vụ 5G cho MobiFone. Nếu như Viettel chỉ triển khai thử nghiệm tại Hà Nội và TP. HCM, ngoài 2 thành phố này, MobiFone sẽ triển khai thử nghiệm 5G tại 2 địa phương khác là Hải Phòng và Đà Nẵng.
Mạng 5G là mạng di động băng rộng (mobile broadband) thế hệ mới. Đối với người dùng cuối, 5G đem lại tốc độ cao hơn, trải nghiệm dịch vụ trực tuyến mượt mà hơn và độ ổn định sóng cao hơn. Tuy nhiên, đối với các nhà công nghiệp, mạng 5G là xương sống của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Hàng loạt công nghệ mới giúp cải thiện yếu tố quan trọng của 5G là độ trễ (latency). Độ trễ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên của Internet vạn vật (IoT), của xe tự lái và nhiều hơn thế nữa. 5G hiện đang được các nhà mạng quảng bá về tiềm năng đạt độ trễ 1ms, và điều này mở ra rất nhiều tiềm năng công nghệ mới, như bác sĩ có thể phẫu thuật từ xa thông qua robot. Bên cạnh đó, 5G được cho là sẽ tiêu tốn điện năng ít hơn rất nhiều so với 4G, nhờ vậy mà thời lượng pin của các thiết bị kết nối mạng cũng sẽ cao hơn. |
Khôi Minh (tổng hợp)