Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2108 tập trung chính vào lĩnh vực ngân hàng và chế biến chế tạo, trong đó Lào, Campuchia và Cuba là 3 quốc gia nhận vốn đầu tư nhiều nhất.

Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Việt Nam đã mang 149,5 triệu USD, tương đương 3.415 tỷ đồng, đầu tư ra nước ngoài trong quý I/2018.

Cụ thể, báo cáo của cơ quan này cho thấy Việt Nam có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong quý I với tổng vốn đầu tư 123,62 triệu USD, và 5 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm là 25,88 triệu USD.

Có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, trong đó Lào dẫn đầu khi chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là Campuchia chiếm 17,3%, Cuba chiếm 13,3%, và Australia chiếm 8%.

Việt Nam đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng ra nước ngoài quý I, chủ yếu sang Lào, Campuchia, Cuba
Lào thu hút nhiều vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong quý I

Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 19,9 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 7 dự án với tổng vốn đầu tư 8,5 triệu USD, chiếm 8%.

Một số ít dự án còn lại thuộc các lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, xây dựng và vận tải kho bãi.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam ước tính đã cấp phép mới cho 618 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong 3 tháng đầu năm với số vốn đăng ký 2,12 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án nhưng giảm 27,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 199 lượt dự án cũ đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,79 tỷ USD, giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong quý I đạt 3,91 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi vốn giải ngân ước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết trong quý I đã cấp phép cho một số dự án FDI lớn như:

-Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng, cấp phép ngày 1/9/2016 với mục tiêu Sản xuất mô-đun Camera, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD.

-Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, cấp phép ngày 20/3/2014 với mục tiêu sản xuất giày và quần áo thể thao tại Hải Phòng, điều chỉnh tăng vốn thêm 260 triệu USD.

-Dự án nhà máy điện gió Hanbaram, cấp phép ngày 7/2/2018, có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Singapore đầu tư tại Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.

-Dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD.

-Ngoài ra, dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD.

Minh Tuệ