Quốc đảo Sư tử từ lâu luôn là thị trường hàng đầu về chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á, nhưng các quốc gia khác như Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang bắt đầu trỗi dậy.
Chỉ 3 năm trước, Việt Nam gần như vô danh trong hệ thống tài chính toàn cầu khi chỉ có 10 công ty vốn hóa giá trị 1 tỷ USD, trong khi lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán vào khoảng 100 triệu USD.
Những hình ảnh đó chỉ còn là quá khứ. Tuy không sánh được với Phố Wall, nhưng trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đang nóng lên rất nhanh.
Theo tờ SCMP, vào năm 2017, chỉ cố VN-Index của Việt Nam đã tăng 47% lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, giành lấy vương miện chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á và đạt vị trí thứ 3 thế giới.
Theo số liệu thống kê hàng năm của Hiệp hội các sở giao dịch thế giới (WFE), quy mô của Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) đã tăng 75,2% so với năm 2016. Số lượng các công ty niêm yết có giá trị trên 1 tỷ USD cũng như khối lượng giao dịch hàng ngày cũng đã tăng gấp 3 lần.
“Giới đầu tư đã bị thu hút bởi sự kết hợp giữa tăng trưởng và sự ổn định của Việt Nam”, chuyên gia phân tích Barry Weisblatt tại Viet Capital Securities nhận định.
Theo chuyên gia này, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần thúc đẩy thị trường tăng mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng đó, Việt Nam được ông Chua Hak Bin – chuyên gia nghiên cứu kinh tế khu vực của Công ty Maybank Kim Eng (Thái Lan) – ví như một “ngôi sao nhạc rock”, và là một hiện tượng trong các thị trường đang nổi lên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trật tự mới
Trong 2 thập kỷ qua, Singapore luôn vững chắc chiếm vị trí số 1 tại khu vực. Đảo quốc này luôn là sự lựa chọn đầu tiên của các công ty ASEAN muốn niêm yết lên sàn chứng khoán vì ở đây tạo cơ hội tốt nhất cho họ tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế.
Nhưng mọi thứ dường như đang thay đổi nhanh khi các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan và Philippines tìm cách tranh ngôi vương với Singapore.
Với lượng vốn hóa thị trường đạt 787,28 tỷ USD trong năm 2017, Singapore là thị trường chứng khoán lớn thứ 16 ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường Singapore không quá nổi trội so với các nước trong khu vực. Số liệu của WFE cho thấy tổng lượng vốn hóa của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) tăng 13,6% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 37,3% của Hồng Kông.
Tại Đông Nam Á, giá trị vốn hóa tại sàn HoSE của Việt Nam tăng mạnh nhất với mức 75,2%, theo sau là Indonesia 22,6%, Philippines 22%, Thái Lan 15,7% và Malaysia 14,5%.
Tờ SCMP nhận xét các sàn chứng khoán trong khu vực đã thu hút thành công các doanh nghiệp niêm yết mới, đặc biệt là các công ty trong nước.
Việt Nam đã có hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) thành công nhất trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó có 3 vụ IPO thu về tổng cộng 2,5 tỷ USD, theo số liệu của hãng kiểm toán EY. Các sở giao dịch của Việt Nam đang chuẩn bị cho các vụ IPO của 64 công ty nhà nước trong năm nay và 18 công ty khác vào năm 2019, bao gồm cả công ty viễn thông MobiFone.
Indonesia thu hút được 19 vụ IPO thu về số tiền 700 triệu USD. Sàn chứng khoán Singapore thu hút được 7 vụ IPO trong nửa đầu năm 2018, với hơn 400 triệu USD.
Trên thực tế, Indonesia đã tuyên bố có ý định thách thức Singapore. Quốc gia này đang cố gắng rút nhiều công ty nội địa niêm yết trên chứng khoán Singapore về Jakarta. Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia cũng đang tăng các dịch vụ của mình, từ các quỹ giao dịch ngoại hối đến chứng khoán phái sinh nhằm thay thế vị trí đứng đầu của SGX vào năm 2020.
Phản công
Tuy nhiên, Singapore cũng không ngồi yên để bị vượt mặt. Thị trường chứng khoán nước này vẫn lấn át nhiều thị trường khác trong khu vực và giữ vị thế trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Robson Lee, chuyên viên tại hãng luật Gibson Dunn, cho biết SGX luôn có được sự uy tín hơn trong tính minh bạch, quản lý và thực thi luật chứng khoán, cũng như các quy tắc niêm yết so với nhiều nước châu Á khác.
“Tuy ngưỡng này không đạt mức quá cao khiến các thị trường chứng khoán châu Á khác không thể vượt qua, nhưng cũng đủ giúp SGX thách thức các đối thủ trong thời gian tới. SGX không nên ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, ông Lee nhận định.
Về ngắn hạn, Singapore có lẽ sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dù cho toàn cảnh thị trường chứng khoán châu Á đang rục rịch chuyển đổi. SGX gần đây đang tăng cường sức cạnh tranh bằng cách tập trung vào chứng khoán công nghệ – vốn được nhiều người xem là tương lai của nền kinh tế.
SGX cũng đã thông báo các động thái trong thời gian sắp tới cho phép phát hành cổ phiếu hai tầng đối với các hãng công nghệ lớn như Facebook và Alphabet.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, bước đi này sẽ giúp Singapore thu hút được những doanh nghiệp tại Trung Quốc và ASEAN chưa niêm yết trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán ASEAN sẽ chuyển dịch sang hợp tác chứ không phải cạnh tranh khi khu vực này đang nỗ lực tiến tới một thị trường chung có dòng chảy tự do của hàng hóa, vốn và lao động.
Theo nhận định của ông Lee từ Gibson Dunn, phát triển một thị trường chứng khoán toàn ASEAN sẽ bền vững hơn. Một thị trường chứng khoán hợp nhất giữa các nước ASEAN sẽ mang lại cho các nhà đầu tư hơn 3.000 doanh nghiệp niêm yết, đặt vị thế vững chắc của ASEAN trên bản đồ toàn cầu.
Tất nhiên, ý tưởng đó có thể là một giấc mơ. Vào năm 2013, Sở giao dịch các nước Đông Nam Á, (ASEAN trading link) được thành lập nhằm kết nối các thị trường chứng khoán ở Malaysia, Singapore và Thái Lan, đã chấm dứt vì không nhận hứng thú từ các nhà đầu tư.
Nhưng đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam, điều đó có thể không quan trọng lắm. Họ sẽ hạnh phúc khi nhận được những lợi ích tốt đẹp từ một nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
Kiều Ngọc