Các doanh nghiệp nước ngoài đang đua nhau chuẩn bị rút lui hoặc giảm đầu tư ở Trung Quốc vì lo ngại Mỹ sẽ đánh vòng thuế tiếp theo, theo CNBC.

Đến nay, hầu hết sản phẩm công nghệ vẫn chưa bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lĩnh vực này sẽ chịu đòn giáng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas thuộc hãng thông tin toàn cầu IHS Markit nhận định các mặt hàng như điện thoại di động, đồng hồ thông minh và các thiết bị đi động khác có thể là mục tiêu của vòng thuế mới.

Chuyên gia kinh tế Raymond Yeung của ngân hàng ANZ cũng cho rằng điện thoại di động và các sản phẩm tiêu dùng khác sẽ khó thoát.

“Nếu chính quyền Mỹ áp thuế vòng 3 lên 267 tỷ USD hàng Trung Quốc, đây sẽ là cú sốc kinh tế rất lớn với các hãng xuất khẩu Trung Quốc”, Biswas đánh giá.

Từ ngày 24/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và mức thuế suất này sẽ tự động tăng lên thành 25% vào đầu năm 2019 nếu Bắc Kinh không nhượng bộ. Chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ trả đũa bằng việc đánh thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ nhưng vẫn chưa có thông báo thực hiện chính thức.

Ông Trump đe dọa bất kỳ động thái trả đũa nào của Trung Quốc sẽ khiến Washington “ngay lập tức theo đuổi vòng thuế quan thứ 3 – đánh thuế lên khoảng 267 tỷ USD hàng Trung Quốc”.

Trung Quốc bị giới hạn khả năng trả đũa tương đương, đơn giản chỉ vì nước này không nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất châu Á chỉ nhập 129,9 tỷ USD từ Mỹ trong năm 2017, trong khi ở chiều ngược lại, Mỹ nhập khẩu 505,5 tỷ USD hàng từ Trung Quốc.

Trước đó, từ đầu tháng 7, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

trung quoc se chiu cu soc kinh te neu my ap them thue
Trung Quốc đối mặt với nguy cơ mất hơn 3 triệu việc làm. (Ảnh: AFP)

Theo ngân hàng ANZ, các mặt hàng chủ chốt bị tác động trong vòng thuế thứ 3 là sản phẩm tiêu dùng và ô tô, chiếm 49% lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Biswas cho rằng vòng thuế mới có thể đánh vào các công ty đa quốc gia, sản xuất tại Trung Quốc để xuất khẩu, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Nếu các công ty đa quốc gia điều chỉnh lại chuỗi cung ứng để sản xuất hàng bên ngoài Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm và mất việc làm”, chuyên gia kinh tế Biswas nhấn mạnh.

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng J.P. Morgan đánh giá Trung Quốc có thể kiểm soát được phần nào những tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng chắc chắn tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ tăng chóng mặt.

J.P. Morgan ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 3 triệu việc làm nếu không có biện pháp đối phó vòng áp thuế kế tiếp của Mỹ. Nhưng nếu áp thuế trả đũa, với điều kiện đồng Nhân dân tệ mất giá thêm 5%, họ sẽ chỉ mất khoảng 700.000 việc làm.

Hãng tin Bloomberg gần đây cho hay rất nhiều nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử như Compal Electronics, Inventec Corporation của Đài Loan hiện đang chuẩn bị di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chuyển sang các khu vực như Đông Âu, Mexico và Đông Nam Á.

Nếu chiến tranh thương mại Trung – Mỹ tiếp diễn, đến khi đó sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn lựa chọn rút đi. Theo một tính toán, tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc sẽ có ít nhất một nửa số nhà máy đóng cửa.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)