Trong khi người trồng hồ tiêu ở Đồng Nai đứng ngồi không yên vì giá tụt thê thảm, thì nhiều người dân ở Đăk Nông lại lâm vào cảnh nợ nần khi loại cây này bỗng dưng chết trụi.
Zing đưa tin, nhiều gia đình ở Đồng Nai lâm vào cảnh nợ nần vì giá hồ tiêu giảm thê thảm.
Ông Nguyễn Thanh Năm (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) chia sẻ, những năm trước, giá tiêu khoảng 200.000 đồng/kg. Đó là thời điểm lý tưởng, người trồng tiêu nào cũng có lợi nhuận, kinh tế khá giả. Bây giờ giá sụt giảm, có bán hết trong vườn cũng không bù chi phí đầu tư.
Nhiều nông dân trồng tiêu cho hay, vì giá tiêu quá thấp nên bỏ mặc, không chăm sóc cây cũng không thu hoạch vì thu hoạch thì phải thuê người, mà thuê người thì chắc chắn lỗ nặng.
Tiêu sụt giá, nhiều hộ dân quyết định phá bỏ những diện tích có năng suất kém để chuyển đổi sang loại cây trồng khác có giá trị cao hơn.
Trong khi đó, hàng ngàn nông dân Tây Nguyên cũng đang lâm vào cảnh trắng tay khi vườn tiêu của mình chết trụi.
Ông Vũ Đăng Khoa (xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông) chia sẻ trên Dân Việt, cách đây 3 năm ông vay 1 tỷ đồng cùng với 2 tỷ gia đình đang có để mua gần 3ha tiêu. Năm ngoái, vườn tiêu chỉ mới cho thu bói nên gần như ông Khoa chưa thu hồi được đồng vốn nào. Năm nay, khi vườn tiêu đang xanh tốt và chuẩn bị cho thu hoạch chính vào sau Tết thì bỗng nhiên chết trụi.
Không chỉ vườn tiêu nhà ông Khoa, mà nhiều vườn tiêu khác ở Đăk Nông cũng đang gặp tình trạng tương tự. Anh Đoàn Đình Bắc (xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, Đăk Nông) cho biết vườn tiêu nhà mình đã chết trụi gần 7.000 gốc. Mùa mưa vừa kết thúc là vườn tiêu bắt đầu chết và sau đó chết hàng loạt. Mặc dù anh đã mời kỹ sư vào tư vấn và bón thuốc cho cây nhưng tình trạng vẫn không thể cứu vãn. Thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh này, đã có khoảng hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết trắng cùng gần 3.000 ha khác đang bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm. Theo dự báo, tình trạng tiêu chết còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Lê Trọng Yên- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông, cho hay nguyên nhân dẫn đến tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt một phần do thời tiết diễn biến bất thường, mưa quá nhiều làm dịch hại phát triển, trong đó có các bệnh hại rễ do nấm và tuyến trùng gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm.
Bên cạnh đó, việc sản xuất theo phong trào của bà con nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ cần có tác nhân là dịch bệnh bùng phát.
(Tổng hợp)