Cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm trở lại đây đang có diễn biến tích cực khi số lượng doanh nghiệp bán cổ phần ít nhưng lại thu về giá trị cao gấp nhiều lần so với trước đây.

Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang diễn ra sôi nổi trong 3 năm trở lại đây khi số tiền thu về đạt 198.000 tỷ đồng, nhiều gấp 3 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể, năm 2016 thu về 30.000 tỷ đồng, năm 2017 thu 140.000 tỷ đồng (riêng thương vụ tại Sabeco thu được 110.000 tỷ đồng), và nửa đầu năm 2018 thu 28.100 tỷ đồng.

Theo trang tin NDH, tổng số tiền nộp vào ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đạt 115.000 tỷ đồng, tương đương 46% kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội về thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2020.

thu gan 200 nghin ty dong tu co phan hoa va thoai von doanh nghiep nha nuoc trong 3 nam

Theo phương án đã được phê duyệt bởi Chính phủ, trong nửa đầu 2018, 19/45 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị được định giá lên tới 40.600 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD).

Trong đó, 16 DNNN đã hoàn thành cổ phần hóa, bằng 73% số thương vụ cổ phần hóa hoàn thành được trong cả năm 2017. Có 8 trong số các doanh nghiệp này nằm trong kế hoạch của năm 2017. Các doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong danh sách này phải kể đến Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVPOil), Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3).

Tổng vốn điều lệ của 16 doanh nghiệp trên đạt hơn 136.000 tỷ đồng. Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 54,1% số cổ phần sau khi hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn, bán ưu đãi cho người lao động 0,5% cổ phần và bán 45,4% cổ phần còn lại cho các đối tác chiến lược và bên ngoài thông qua hình thức IPO.

Hơn 22.500 tỷ đồng đã được Nhà nước thu về từ các đợt IPO của các doanh nghiệp này và hiện đang bước vào giai đoạn 2 là tìm kiếm các đối tác chiến lược tiềm năng để tiếp tục thoái vốn.

Theo đánh giá, công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đang chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã đề ra. Chính phủ chỉ thoái vốn thành công 17/135 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn năm 2017. Số doanh nghiệp còn lại do đó bị lùi kế hoạch thoái vốn sang năm 2018 và điều này khiến khối lượng công việc phải thực hiện trong năm 2018 là rất lớn.

Tổng số doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn nhà nước trong năm 2018 lên tới 181 doanh nghiệp, trong khi 6 tháng đầu năm 2018 mới chỉ hoàn thành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Điều này đặt ra thách thức lớn về khả năng hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong 2018.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)