Hiệp hội Chăn nuôi lợn Mỹ vừa có chuyến khảo sát thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng cũng như tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng giữa lúc xung đột thương mại với Trung Quốc leo thang.
Theo Dân trí, trong buổi làm việc tại Tp.HCM, lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi lợn Mỹ cho biết hiệp hội này đại diện cho 60.000 nông trại của Mỹ. Sở dĩ hiệp hội đến tìm hiểu thị trường Việt Nam bởi đây là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất tại Châu Á.
Ông Craig Morris, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi lợn Mỹ, cho rằng người tiêu dùng ở Việt Nam đang nhanh chóng tăng tỷ trọng thịt lợn trong bữa ăn. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ tăng thị phần nếu có những chiến lược đúng đắn.
So sánh về cách sử dụng thịt lợn giữa người tiêu dùng Việt Nam và người dân Mỹ, ông Morris cho rằng trong khi người Việt có thói quen sử dụng thịt nóng, tức thịt tươi sau khi giết mổ sẽ được sử dụng ngay, người Mỹ thường sử dụng loại thịt mát, tức thịt bảo quản lạnh sau khi giết mổ. Ngoài ra, người Việt Nam rất chuộng ăn nội tạng lợn, trong khi người dân Mỹ không sử dụng.
Hiện các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu loại nội tạng đỏ sang Việt Nam như tim, gan, cật với giá trị xuất khẩu khoảng 1 triệu USD (bao gồm thịt vụn xay). Loại nội tạng trắng như lòng lợn hay dạ dày thì vẫn chưa thể xuất khẩu vào Việt Nam do chưa được các cơ quan chức năng cho phép. Phía Mỹ đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu loại nội tạng trắng sang Việt Nam.
Ngoài nội tạng, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều sản phẩm thịt lợn từ Mỹ như thịt giăm bông tươi, thịt giăm bông đông lạnh và thịt vai.
Theo Đầu tư chứng khoán, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 đối với các sản phẩm thịt lợn Mỹ, chỉ sau Hồng Kông. Năm 2017, Việt Nam đã nhập khoảng 12 triệu USD thịt các loại và nội tạng lợn của Mỹ.
Căng thẳng thương mại leo thang đang khiến các nhà xuất khẩu thịt lợn Mỹ phải tìm kiếm thị trường mới nhằm né thuế suất tăng cao từ Trung Quốc. Hiện tại, mức thuế nhập khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới mà thịt lợn Mỹ phải chịu rất cao, lên đến 62%. Thuế suất tăng cao này khiến lượng thịt lợn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh.
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng thịt lợn Mỹ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu 678 tấn thịt lợn đã qua giết mổ trong tháng 6, với tổng trị giá đạt 1,03 triệu USD. So với tháng 5, con số này tăng 50,4% về khối lượng và 50,7% về trị giá.
Giá thịt lợn nhập khẩu trung bình trong tháng 6 đạt 1.524 USD/tấn, tương đương khoảng 35.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn trong nước. Mỹ vẫn là nguồn cung chính cho Việt Nam trong tháng 6, chiếm 30% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu. Hàn Quốc đứng thứ hai với thị phần là 10,9%.
(Tổng hợp)