Hơn một tuần nay, các đại lý tại Tp.HCM cho biết nhiều hãng sữa đồng loạt tăng giá thêm 5-7% với lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Chia sẻ trên Vnexpress, ông Lâm, chủ cửa hàng sữa trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho biết, từ cuối tháng 6, hầu hết các loại sữa bột cho trẻ em từ 0-3 tuổi đều tăng 5-7%.
Đơn cử như sữa Similac 3 tăng 20.000 đồng lên 440.000 đồng/hộp loại 900 gram; sữa Nan 3 tăng 25.000 đồng lên 410.000 đồng/hộp loại 900 gram.
Bên cạnh đó, một số loại sữa trong nước như Grow Plus đỏ và Dielac Grow Plus 2 cũng tăng 20.000 đồng lên 270.000 đồng/hộp và 440.000 đồng/hộp loại 1,5 kg.
Cũng báo tăng giá, chị Thu, chủ cửa hàng sữa trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), cho biết thời điểm này các hãng đồng loạt tăng giá. Một số hãng cho biết do thay đổi bao bì một số sản phẩm và cho thêm chất mới nên giá tăng cao. Mỗi hộp tăng thêm 20.000-40.000 đồng tùy loại và trọng lượng.
Chủ cửa hàng sữa này cho rằng giá nhập từ hãng tăng cao nên họ bị giảm lãi dù đã tăng giá bán lẻ.
Theo các cửa hàng sữa, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao buộc nhà sản xuất tìm đủ mọi cách để tăng giá.
Trước đó, hồi tháng 5, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã thông báo tăng giá trong phạm vi 5% đối với 11 sản phẩm sữa bột. Đây là đợt tăng thứ 2 của hãng này từ cuối tháng 3/2017 đến nay. Cuối tháng 10/2017, Nestle Việt Nam đã tăng giá dưới 5% đối với 7 sản phẩm là các loại bột ăn dặm như Nestle Cerelac yến mạch măng tây, Nestle Cerelac cá và rau xanh… dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Kể từ đầu năm đến nay, giá sữa trên thị trường thế giới đã tăng 15-17%. Dự báo trong thời gian tới, giá vẫn duy trì ở mức cao khi nguồn cung tại New Zealand – nước xuất khẩu sữa lớn trên thế giới – thiếu hụt và nhu cầu tại Trung Quốc tăng mạnh.
Cụ thể, theo số liệu từ Công ty nghiên cứu sản phẩm sữa và thực phẩm CLAL (trụ sở tại Italia), sản lượng sữa của New Zealand trong tháng 3/2018 giảm 1,48% so với tháng 3/2017.
Trong khi đó, số liệu từ Công ty Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS) cho thấy, trong quý I/2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 758.000 tấn sữa và sản phẩm sữa, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và 24,2% về trị giá so với cùng kỳ 2017. New Zealand hiện vẫn là đối tác chủ lực của Trung Quốc, đặc biệt là sữa bột nguyên kem.
Theo Bộ Công Thương, sữa bột là mảng thị trường cạnh tranh rất khốc liệt tại Việt Nam khi biên độ lợi nhuận của ngành hàng này đang được đánh giá là hết sức béo bở.
Infonet dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel cho thấy thị trường sữa bột tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 12,7% trong 5 năm qua.
Sữa bột chủ yếu là sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện Vinamilk dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 27%; Abbott đứng thứ 2 với 17%; tiếp theo là Friesland Campina với 12% thị phần.
Trong khi thị phần của cả Abbot và Friesland Campania vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong 3 năm qua, Nutifood nổi lên thành một nguy cơ lớn đối với Vinamilk ở phân khúc bình dân.
Thị phần của Nutifood đã tăng từ 10% trong năm 2014 lên khoảng 15% trong năm 2017. Nutifood có sản phẩm đa dạng và có giá thấp hơn 10-15% so với Vinamilk. Điều này cho thấy Nutifood sẵn sàng chấp nhận biên lợi nhuận thấp để giành lấy thị phần từ đối thủ.
Bên cạnh đó, các hãng sữa quốc tế như Abbott, Friesland Campina, Mead Johnson, Nestle và nhiều hãng sữa nhỏ hơn khác đều có năng lực tốt về marketing và nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Do vậy, những doanh nghiệp này luôn luôn là nguy cơ cạnh tranh với Vinamilk.
Vỹ An