Với thông tin Phú Quốc sắp trở thành đặc khu, từ đầu năm đến này, nhiều nhà đầu tư đã đổ về “địa chỉ vàng” này khiến cho thị trường bất động sản liên tục tăng nóng.
Có khá nhiều loại hình bất động sản được chào bán từ đất nông nghiệp, căn hộ đến nhà phố, đất dự án… với đủ các loại giá khác nhau. Bên cạnh nhu cầu đầu tư thực tế, không ít người đến Phú Quốc đầu tư địa ốc theo kiểu lướt sóng để ăn chênh lệch.
Báo Lao động dẫn lời một người dân nơi đây cho biết, “Giá đất ở Phú Quốc đang tăng rất nóng tới độ “bật nóc”. Trước đây vài tháng, giá đất chỉ cỡ 2-2,5 tỉ đồng/công (1 công = 1.000m2) thì nay, giá một công đất đã lên tới 18 tỉ đồng”.
Đặc biệt, các thửa đất hướng mặt ra biển có mức giá lên tới 52 tỉ đồng/công – một cái giá mà ngay cả giới địa ốc chuyên nghiệp cũng chưa bao giờ dám nghĩ.
Chưa dừng lại ở đó, một tay “cò” có tiếng ở Phú Quốc cho biết, giá đất cao nhất là đất trên trục đường Trần Hưng Đạo với mức giá lên đến trên 150 tỉ đồng/công.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Nga Trần – nhà đầu tư Việt kiều Mỹ cho biết: “Vừa bước xuống sân bay là đã nghe bàn nhau mua đất Phú Quốc. Còn giá đất thì chỉ có tăng nhưng chỉ chần chừ là có người khác mua ngay. Nhiều giao dịch mua bán rất nhanh, chỉ 1-2 ngày mua đi bán lại là lời ngay vài trăm đến vài tỉ đồng”.
Theo nhận định của một lãnh đạo huyện Phú Quốc, cơn sốt đất hiện nay là do người dân đổ xô mua đón đầu Phú Quốc lên đặc khu. Còn mua làm gì, vị trí đất đó sẽ như thế nào, pháp lý ra sao, giá nào hợp lý… thì ít ai quan tâm. Theo tâm lý đám đông, một người mua, nhiều người nhảy vào mua.
Sốt đất không chỉ đem đến những hệ lụy nhãn tiền về việc giá giao dịch vượt quá cao so với giá trị thật dẫn đến hiện tượng “bong bóng” đầu tư, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội.
Theo một lãnh đạo công an tại Phú Quốc, cùng cơn sốt đất là hiện tượng “cò” lộng hành và hiện tượng băng nhóm bảo kê các vụ tranh chấp. Lực lượng Công an Phú Quốc đã xử lý gần 140 đối tượng tham gia các vụ tranh chấp, trong đó đó có 23 đối tượng có tiền án, 66 đối tượng từ nơi khác đến.
Diệu Thu