Nhiều nghiên cứu cho thấy sau khi mấtTrạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được an táng ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng

Mới đây, nhóm nghiên cứu do ông Nguyễn Văn Vịnh – Tiến sĩ triết học phương Đông làm trưởng đoàn đã phát hiện 2 bia đá khắc chữ Nho có nội dung liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở khu vực bờ sông Văn Úc thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, theo Người Lao Động.

Hai tấm bia đá được tìm thấy ở khu vực bờ sông Văn Úc.

Trước đó, ngày 2/5, nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập do tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh đã về làm việc với UBND xã Kiến Thiết đề cập muốn được tìm kiếm di chỉ liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu vực sông Văn Úc.

Sau một thời gian khảo sát, sáng ngày 6/5, nhóm phát hiện 1 bia đá ở bờ đầm và 1 bia đá ở dưới lòng sông, thuộc khu vực đầm nuôi rươi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sỹ và bà Đặng Thị Thư. Hai bia đá có chiều cao khoảng 40cm, ngang 30cm, dày 7cm.

Ngay trong ngày, nhóm nghiên cứu đã mời một chuyên gia Hán Nôm về xã Kiến Thiết để dịch nội dung trên 2 tấm bia đá. Do thời gian bia đá bị vùi lấp quá lâu nên một số chữ trên đã bị mờ.

Tuy nhiên, chuyên gia Hán Nôm đã dịch được khoảng 80% nội dung, qua đó cho thấy có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

“Tấm bia 2 mặt có chữ được đặt ở phần đầu mộ Trạng Trình, còn tấm bia chỉ có chữ một mặt được chôn phần chân mộ”, tiến sĩ Vịnh nói và cho hay, ông đã mất khoảng 6 năm tìm kiếm bằng phương pháp khoa học và dịch sấm Trạng.

Sáng ngày 7/5, tiến sĩ Vịnh cùng các cộng sự đã bàn giao 2 tấm bia đá cho chính quyền xã Kiến Thiết. Ngay sau đó, UBND huyện Tiên Lãng đã báo cáo vụ việc cho UBND TP Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao TP xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Phạm Văn Hải, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiên Lãng cho hay, sau khi tiếp nhận 2 tấm bia đá, huyện có nhờ cụ Bùi Lân (97 tuổi, người chuyên được mời dịch các văn tự, bia đá cổ) đến để dịch chữ trên 2 tấm bia.

Cụ Lân khẳng định, những chữ khắc trên bia đá có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.


Nội dung chữ Nho trên bia đá có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phương án bảo tồn

Ngày 8/5, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng có văn bản báo cáo và đề xuất với UBND TP Hải Phòng về vụ việc trên.

Theo đó, để UBND xã Kiến Thiết tiếp tục bảo quản 2 tấm bia đá, đồng thời chủ trì mời các nhà khoa học, cơ quan quản lý có liên quan nghiên cứu, xem xét xác định giá trị các hiện vật được phát hiện nêu trên để đề xuất biện pháp xử lý theo quy định hiện hành.

UBND huyện Tiên Lãng có biện pháp quản lý tốt khu vực thăm dò, khai quật nêu trên; lên phương án bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương và định hướng dư luận xã hội bảo đảm quy định.

Cũng trong ngày 8/5, UBND TP Hải Phòng phát đi công văn “hỏa tốc” giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an TP và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh cụ thể và phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Tiên Lãng thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 20/5.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cho biết, có rất nhiều cơ sở khoa học khẳng định Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được an táng tại quê ngoại, đó là làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng).

Ông Vịnh cho hay, hầu hết những nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều ghi nhận ảnh hưởng lớn bên họ ngoại trong việc hình thành nhân cách cũng như tài năng của ông.

Trong gia phả của họ Nguyễn (thuộc nhánh hậu duệ người con trai thứ 7 của Nguyễn Bỉnh Khiêm) ở thôn An Tử Hạ còn ghi lại: “Phu nhân hồi An Tử Hạ, ỷ phụ thân giáo dưỡng Đạt nhi tam tuế”, qua đó cho thấy mẹ Nhữ Thị Thục và ông ngoại Nhữ Văn Lan có công lớn giáo dưỡng Trạng Trình khi còn nhỏ.

(Ảnh: Trọng Đức)

Thế Tam