Tôi dùng vợt lưới đi khắp các cánh đồng trên địa bàn H.Hóc Môn và Củ Chi tìm bắt cà cuống. Nhiều người thấy tôi đi bắt côn trùng cho rằng tôi hết chuyện làm, đi làm mấy việc dở hơi, nhưng tôi mặc kệ và theo đuổi quyết tâm của mình. Sau hơn 1 tháng, tôi đã bắt được 5 con cà cuống giống đem về nhà nuôi”, anh Tùng hồ hởi kể.
Anh Lê Thanh Tùng (40 tuổi, Tp.HCM) xuất thân từ một gia đình thuần nông nên sớm quen với cảnh ruộng đồng.
Vào những năm 1995, khi chưa tròn 20 tuổi, anh đã mạnh dạn bỏ hàng chục triệu đòng vào đầu tư nuôi vịt. Giữa lúc đang ăn nên, làm ra thì trừng vịt và trứng gà Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến thị trường trứng gia cầm trong nước bị đảo lộn. Trứng sản xuất ra ế ẩm do không cạnh tranh lại với hàng Trung Quốc, gia đình anh lỗ vốn khoảng gần 40 triệu đồng và phải ngừng nuôi Vịt.
Thất bại với việc nuôi Vịt, anh Tùng tiếp tục vay tiền thuê đất trồng rau xanh. Việc làm này cũng mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho gia đình anh. Tuy nhiên, vào những năm 2000, tình trạng sốt đất ở huyện Củ Chi xảy ra, các chủ đất đòi lại đất và đem bán. Anh Tùng ngưng việc trồng rau xanh từ đó.
Năm 2008, trong một lần xem phóng sự truyền hình trên tivi, thấy chương trình nuôi cà cuống mang lại thu nhập cao ở nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam lại chưa có. Anh Tùng tò mò tìm cà cuống tự nhiên bắt về nuôi thử nghiệm.
“Từ nhỏ tôi đã biết con cà cuống rồi, nên xuống ao là biết liền. Ban đầu nó chích vào chân tê cứng hết cả người, mấy anh em cào mất 4 tuần mới được 5 con”, anh chia sẻ.
Từ 5 con cà cuống, anh đem về nuôi trong 3 tháng dựa trên hướng dẫn cách nuôi ở các sách báo anh Tùng đã tạo được một trang trại nuôi cà cuống quy mô lớn với hàng chục ngàn con được nuôi trong 4 bể xi măng, rộng khoảng 6 mét vuông/bể.
“Năm 2017, tôi bán được khoảng 10.000 con cà cuống, mang về thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục nhân rộng mô hình lên gấp đôi,” anh Tùng chia sẻ trên báo Thanh Niên.
Ban đầu nuôi cà cuống, anh Tùng cũng gặp nhiều khó khăn bởi con vật này sống trong môi trường tự nhiên, khi bắt về thuần hóa trong hồ, phải tập cho chúng quen với môi trường nuôi nhốt. Đồng thời, anh cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu về thức ăn để cho con vật có độ sinh trưởng tốt.
Chia sẻ về cách nuôi, anh Tùng cho hay loài cà cuống là thuộc giống côn trùng sinh sản tốt, phát triển nhanh. Khoảng 2,5 tháng là từ con non mới nở có thể đẻ trứng. Thức ăn gồm cá, tôm, tép, dế… Cà cuống có vòng đời khoảng 14 tháng, đẻ tối đa được khoảng 5 lứa, mỗi lứa được từ 150 – 200 trứng, tỉ lệ nở khoảng 98%.
Mỗi con cà cuống giống anh bán 400.000 đồng/con. Các loại cà cuống lấy tinh dầu (thường là con đực) được bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/con.