Hàng nghìn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên đang lâm vào cảnh khốn đốn khi mùa cà phê năm nay không chỉ mất mùa mà còn mất giá.
Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 500.000 ha, chiếm trên 95% diện tích trồng cà phê của cả nước. Trong niên vụ 2018, những hộ nông dân ở Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức như cà phê già cỗi, giá giảm và mất mùa.
Chia sẻ trên Thanh niên, nhiều nông dân trồng cà phê cho biết năng suất niên vụ này ở nhiều nơi có thể giảm đến hơn 30%.
Chị Hồng, một người trồng cà phê ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai), cho biết gia đình chị trồng 2 ha cà phê, năm trước thu được hơn 6 tấn nhân. Năm nay mưa nhiều tháng liền ảnh hưởng đến năng suất nên chỉ thu được khoảng 4 tấn nhân.
Tại huyện Ia Grai, một trong những huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai, nỗi buồn cũng hiện rõ trên khuôn mặt của từng người dân nơi đây.
Chia sẻ trên Dân Việt, chị Thu ở huyện Ia Grai, cho biết năm 2017 vườn cà phê gồm 1.500 gốc của gia đình chị cho thu hoạch 25 tấn nhân, nhưng năm nay chỉ được vỏn vẹn 7 tấn.
Theo chị Thu, chưa bao giờ vườn cà phê của gia đình chị lại rơi vào tình trạng sụt giảm năng suất thê thảm như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thất thường, mưa kéo dài đến hơn 3 tháng khiến từng chùm quả bị thối và rụng dần. Năng suất đã kém, giá cà phê lại giảm từng ngày khiến người trồng vô cùng ngao ngán.
Cùng chung tình trạng năng suất giảm mạnh do hơn 3 tháng mùa mưa kéo dài, ông Rơ Châm Yứt ở huyện Ia Grai thở dài cho hay gia đình ông cũng trồng hơn 800 cây cà phê, năm 2017 được 16 tấn nhưng năm nay vét mãi mới được 10 tấn. Không những vậy, cà phê năm nay còn mất giá, trong khi công hái thì cao đến 200.000 đồng/ngày. Nhiều nhà vườn không dám thuê người hái mà đi đổi công cho các nhà vườn khác.
Tính trung bình, mỗi ha cà phê nông dân phải đầu tư khoảng 50-70 triệu đồng tiền phân bón, công chăm sóc. Nếu giá tốt sẽ thu lời vài chục triệu đồng/ha. Với năng suất như niên vụ này, nhiều nông dân cho biết họ bị thất thu.
Hiện giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên dao động khoảng 34-35 triệu đồng/tấn, thấp hơn 5-6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Cà phê mất mùa, giá giảm mạnh khiến nông dân trồng loại cây này ở Tây Nguyên càng thêm buồn khi Tết Nguyên đán sắp tới.
Với người nông dân Tây nguyên, trăm thứ chi tiêu đều trông cả vào những thứ nông sản như cà phê, hồ tiêu… Song với tình hình ảm đạm như hiện nay, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn.
(Tổng hợp)