Chưa bao giờ hai tiếng “lương hưu” lại gây sự chú ý của nhiều người đến thế, là bởi sự bất hợp lý của chính sách đã lộ ra đến nỗi một người bình thường nhất cũng nhận thấy.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, từ ngày 1/1/2018, để hưởng mức lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm. Nhiều người cho rằng đây là một kiểu kéo dài tuổi hưu của lao động nữ trá hình.
Trong tình hình đóng BHXH phập phù của các doanh nghiệp như hiện nay, để có đủ 20 năm đóng BHXH – mức tối thiểu để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi, đã là quá khó đối với lao động nữ.
Thời điểm 1/1/2018 đã cận kề khiến những người lao động cũng như doanh nghiệp nhấp nhổm không yên bởi cuối năm là cao điểm của sản xuất kinh doanh; nếu người lao động đồng loạt nghỉ việc, ngừng đóng BHXH để tránh lương hưu thì tình hình chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Trừ lao động nữ có trình độ cao trong khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, còn lại thời gian đóng BHXH 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa là mục tiêu khó với tới đối với lao động khu vực ngoài nhà nước. Trong khi với lao động nam việc tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa có lộ trình kéo dài đến năm 2022, thì đối với nữ lại thực hiện đột ngột ngay năm 2018. Điều này là một cú sốc đối với những lao động nữ.
Quy định đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì không được lĩnh trợ cấp một lần khi nghỉ việc mà phải chờ đủ tuổi để nhận lương hưu cũng không thỏa đáng khi nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ tuyển lao động trẻ và tìm cách đẩy lao động lớn tuổi đi.
Chia sẻ trên trang Người Lao động, một phụ nữ chia sẻ: “Tôi năm nay 40 tuổi, giả sử tôi đóng BHXH được 20 năm thì phải chờ thêm 15 năm hoặc nhiều hơn nữa mới được lãnh lương hưu. Từ giờ tới đó tôi làm gì để sống, để có tiền đóng BHXH thêm nhiều thời gian để hưởng mức lương hưu cao hơn? Khó lắm vì không có công ty nào chịu nhận lao động lớn tuổi như tôi, còn đóng BHXH tự nguyện thì lấy đâu ra tiền?”
Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi sỹ Lợi cho rằng, bài toán đặt ra là phải nghiên cứu chính sách để cải cách lại hệ thống BHXH, mức đóng phải cao lên, từ đó tiền lương trả cho giáo viên cũng phải cao lên. Cần phải giải thích để người tham gia thấy rằng muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao, thời gian đóng BHXH phải dài hơn để đủ được 75% lương bình quân khi nghỉ hưu.
Đóng BHXH cao để hưởng lương cao có thể là một chủ trương đúng đắn, nhưng câu hỏi đặt ra là tiền đâu để đóng trong khi công chức, viên chức nhận lương không đủ sống, người lao động được trả lương bèo bọt và chủ doanh nghiệp thì đang kêu gào tỷ lệ đóng BHXH quá cao dẫn đến chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm.
Trước những bất cập trong việc thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018 theo khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều người kỳ vọng vấn đề này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, kỳ họp đã kết thúc và vấn đề thay đổi cách tính lương hưu đã không được đặt ra nên nhiều người vẫn còn rất băn khoăn.
Quang Minh