Dù đã hơn 80 tuổi, nhưng tận tâm với nghề và thương bệnh nhân nghèo, bác sĩ Trương Thị Hội Tố (Hà Nội) vẫn mở phòng khám miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Trương Thị Hội Tố (87 tuổi) là bác sĩ chuyên khoa sản, từng là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Nghỉ hưu, bà lên Hà Nội sinh sống cùng con cái, tham gia các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí lưu động cho gia đình chính sách, người nghèo…

Vị bác sĩ ấp ủ mở một phòng khám miễn phí phục vụ bà con. Trên chiếc xe đạp cũ, bà lọc cọc đi mời bạn bè cũ làm trong ngành y đã nghỉ hưu cùng tham gia nhưng vì nhiều lý do, họ đều từ chối. Cho đến khi gặp y tá Lê Thị Sóc (90 tuổi), từng công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn, giấc mơ của bà mới thành hiện thực.

Bà Sóc kể với Vietnamnet: “Trước đây bà Tố ở phường Tương Mai, tôi ở phường Giáp Bát cùng tham gia trong Hội Chữ Thập Đỏ. Nghe bà Tố tâm sự về ý tưởng mở phòng khám từ thiện, tôi ủng hộ ngay. Hai chị em mượn địa điểm, dùng lương hưu mua cơ sở vật chất ban đầu. Phải mất hơn chục lần di chuyển, long đong phòng khám mới ổn định ở Hội Chữ Thập Đỏ của phường Giáp Bát”.

Nụ cười của bệnh nhân khi đến phòng khám (ảnh: Vietnamnet).

Bệnh nhân đến đây chủ yếu là bà con lao động nghèo, hưu trí. Ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, nhiều người đến đây để được tư vấn sức khỏe. Mỗi ngày phòng khám đón trên 20 bệnh nhân, có ngày đông thì 30 bệnh nhân.

Dược sĩ Lê Thị Khiên chia sẻ, điều kiện cơ sở vật chất còn sơ sài, chúng tôi chỉ khám và điều trị bệnh đơn giản. Trường hợp có dấu hiệu cần thăm khám chuyên sâu, chúng tôi tư vấn đến các bệnh viện lớn, đủ máy móc, thiết bị kiểm tra.

Chia sẻ về công việc của mình, trên trang Người Hà Nội bà Tố cho biết: “Tôi làm việc này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm của người làm nghề bác sĩ, chứ không vì mục đích kiếm tiền. Sau khi về hưu, tôi cùng với một số bác sĩ cũng đã về hưu mở phòng khám này. Ban đầu có 7 người nhưng bây giờ chỉ còn 2 vì nhiều người đã qua đời. Thế nhưng vài năm lại đây, cũng có thêm một vài y, bác sĩ về hưu ra tham gia cùng chúng tôi”.

Tôi chỉ tâm niệm một điều, làm nghề thuốc là phải vì bệnh nhân, vì lương tâm chứ không phải vì tiền bạc. Vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được. Tôi chỉ mong tôi có sức khỏe để tiếp tục được làm việc có ích cho xã hội. Không những vậy, điều tôi mong muốn hơn bao giờ hết ở thời điểm này là phòng khám sẽ có nhiều bác sĩ hơn để duy trì, phục vụ nhân dân.

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố khám và tư vấn cho bà Dần (ảnh: Kinh tế và Đô thị).

Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà luôn có mặt đúng giờ ở phòng khám, bất chấp những khó khăn về thời tiết, mưa to, gió lớn, tuổi cao, chân đau vì thấp khớp. Bà Tố tâm sự: “Dù thế nào tôi cũng phải đến đấy, vì không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu?”.

Chia sẻ về mong muốn lớn nhất của mình trong thời điểm hiện tại, bác sĩ Hội Tố cho biết: “Tôi chỉ mong khi còn sức khỏe thì có thể giúp đỡ được mọi người, cùng với đó là mong muốn làm sao có thêm nhiều phòng khám miễn phí như thế này nữa, ở Hà Nội và nhiều địa phương khác để ai cũng được thăm khám là mình thấy rất vui rồi”.

Chia sẻ với PV Kinh tế và Đô thị , bà Vũ Thị Bích Dần, người đến khám tại đây, cho biết, bà là bệnh nhân đã khám và theo dõi sức khỏe nhiều năm ở đây. Do tuổi cao nên sức khoẻ thường xuyên gặp vấn đề, hàng tuần, bà đều đến để được đo huyết áp, đường huyết. Thông số sức khoẻ của bà được phòng khám ghi chép lại cẩn thận trong sổ để theo dõi. Nói về bác sĩ Trương Thị Hội Tố, bà Dần xúc động: “Bác sĩ Tố là người cởi mở, tận tâm và nhân đức, đúng là một con người hiếm có”. 

Bệnh nhân Đặng Thị Nhàn (70 tuổi, Nam Định), có mặt tại phòng khám chia sẻ, gia đình bà gắn bó với phòng khám từ những ngày mới thành lập. Gia cảnh khốn khó, bản thân bà cũng mang nhiều chứng bệnh, có con trai bị bại não từ nhỏ. Ngoài tiền hỗ trợ khuyết tật của con trai, bà mở quán nước mưu sinh.

Từ khi bác sĩ Tố mở phòng khám, con trai bà nương nhờ để duy trì thuốc men. Thời điểm chồng bà bị ốm nặng, nằm liệt một chỗ, bác sĩ Tố giúp đỡ, chạy chữa suốt 10 năm cho đến ngày ông ấy qua đời. Nhờ đó, bà giảm bớt phần nào gánh nặng về kinh tế.

Gia đình bà Nhàn là bệnh nhân đặc biệt, gắn bó lâu năm với phòng khám (ảnh: Vietnamnet).

Tính đến nay, phòng khám đã hoạt động hơn 20 năm. Nhiều y, bác sĩ về hưu cũng nhiệt tình góp sức cùng bà Tố, bà Sóc. Trong số đó, có người đã ra đi hoặc phải nghỉ vì bạo bệnh.

Hiện nay, phòng khám còn 2 bác sĩ, 2 y tá và 1 dược sĩ duy trì công việc. Thế nhưng do tuổi cao, các lương y ở độ tuổi U80, U90 chỉ có thể khám vào sáng thứ 2 hàng tuần.

Bác sĩ Đức thở dài cho biết: “Ngày trước, chúng tôi khám từ thứ 2 đến thứ 6, dần rút lại còn 3 ngày rồi 2 ngày. Giờ sức khỏe yếu chỉ cáng đáng được 1 tháng 4 ngày. Tôi và các đồng nghiệp ở đây lo rằng, một ngày kia, tất cả đều không cưỡng lại được số mệnh, phòng khám chưa có người kế cận, sợ sẽ phải đóng cửa. Lúc đó lấy ai giúp đỡ bệnh nhân nghèo? Thực sự rất day dứt. Giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng đến khi nào còn có thể”.

Bác sĩ Đức và các đồng nghiệp luôn trăn trở về số phận của phòng khám khi họ không thể tiếp tục (ảnh: Vietnamnet).

Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 412: Ăn ở thiện lương, rộng đường phúc đức

videoinfo__video3.dkn.tv||532230b73__