Trước tình trạng các “ông lớn” ngân hàng ồ ạt tăng phí rút tiền nội mạng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được tăng phí rút tiền ATM nội mạng vào thời điểm này.
NHNN chiều 9/5 cho biết cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại dừng việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng.
Quyết định trên đưa ra nhằm bảo đảm lợi ích của khách hàng trước việc một loạt ngân hàng chiếm thị phần lớn về thẻ trên thị trường như Agribank, VietinBank, Vietcombank tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng.
Đại diện một trong 3 ngân hàng này xác nhận đã nhận được chỉ đạo và sẽ dừng kế hoạch tăng phí ngay theo yêu cầu của cơ quan quản lý, theo VnExpress.
Trước đó, Agribank thông báo từ 12/5 sẽ tăng phí rút tiền của chủ thẻ tại các ATM lên 1.650 đồng (đã bao gồm thuế GTGT). VietinBank cũng thông báo tăng phí từ 5/5. Ngoài ra, VIB, Eximbank và Vietcombank… cũng điều chỉnh tăng phí dịch vụ ATM.
Như mọi lần, lý do tăng phí rút tiền ATM được các ngân hàng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM. Một số ngân hàng cho biết chi phí cho một giao dịch tại ATM các ngân hàng phải chi trả (gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng) từ 7.000-10.000 đồng.
Việc các ngân hàng đua nhau tăng phí rút tiền ATM đã khiến nhiều chủ thẻ lo lắng. Rất nhiều người sử dụng thẻ ATM để rút tiền cho hay họ không có sự lựa chọn nào khác khi công ty quy định trả lương qua tài khoản.
Đặc biệt, những người có thu nhập thấp phải chịu thiệt thòi nhất trong cuộc đua tăng phí dịch vụ của ngân hàng.
Thực tế, nhiều lao động tại các khu công nghiệp, mức lương trung bình chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó thường được dùng để chi tiêu hàng ngày. Sau khi được trả lương qua thẻ, họ phải để lại số dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản và phải gánh các loại phí rút tiền, phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền, phí SMS… Khi các loại phí này đồng loạt tăng lên, khoản lương ít ỏi của họ lại càng bị hao hụt thêm.
Chia sẻ trên Vietnamnet, chuyên gia ngân hàng Phạm Nam Kim cho rằng nếu căn cứ trên thu nhập đầu người giữa Việt Nam và EU, có thể thấy các ngân hàng Việt Nam thu phí dịch vụ cao hơn gấp nhiều lần. Thông thường các ngân hàng EU không thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống, phí truy vấn tài khoản, miễn phí duy trì tài khoản thanh toán…
Theo ông Kim, mặc dù ngân hàng bỏ ra một kinh phí khá lớn đầu tư cho hệ thống ATM, bù lại họ được hưởng lợi lớn từ nguồn vốn lãi suất không kỳ hạn giá rẻ mà khách hàng để trong tài khoản. Với số tiền gửi không kỳ hạn này, ngân hàng đem cho vay với lãi suất thấp nhất khoảng 5-6%/năm là cũng đã lãi lớn. Do đó, ngân hàng vẫn dư sức bù đắp cho các khoản miễn phí từ phí dịch vụ với khách hàng thay vì từng bước bắt khách hàng phải chịu hết chi phí đầu tư ATM.
Nguyễn Trang