Nòng nọc là ấu trùng của ếch, nhái với nhiều người mới nghe thôi đã ‘nổi gai ốc’ nhưng đối với người dân Hre vùng cao huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) lại là món… đặc sản siêu ngon, siêu sạch thường dùng chiêu đãi khách quý.

Báo Dân Trí đưa tin, cuối tháng 10 Âm lịch là thời điểm người dân huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu ra đồng dọn ruộng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Đây cũng là dịp người dân bắt nòng nọc chế biến thành món ăn độc đáo.

Vừa dọn xong cỏ dại cho đám ruộng hơn 1 sào, chị Phạm Thị Rêu (xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ) liền đeo chiếc giỏ tre và cầm sàng tranh thủ bắt nòng nọc về làm thức ăn cho bữa trưa.

Người dân huyện Ba Tơ dùng sàng tre bắt nòng nọc dưới nước.
Chị Phạm Thị Rêu đang xúc nòng nọc. (Ảnh: Dân Trí)

Lom khom vục sàng xuống mặt nước chừng 20 phút chị Rêu bắt được hơn 1 chén nòng nọc. Theo chị Rêu, chỉ cần bắt được 2 chén nòng nọc là đủ chế biến món ngon cho gia đình 4 người vào bữa trưa.

“Nòng nọc ăn rong rêu nên rất sạch, chế biến lên rất ngon. Không dễ gì có mà ăn đâu”, chị Rêu nói.

Ếch, nhái đẻ trứng xuống nước sau đó nở ra con nòng nọc, người dân Ba Tơ bắt nòng nọc chế biến thành món ăn.
Ếch, nhái đẻ trứng xuống nước sau đó nở ra con nòng nọc. (Ảnh: Dân Trí) 

Ếch, nhái đẻ trứng xuống nước sẽ nở thành con nòng nọc. Nhìn những con nòng nọc đầu to, có đuôi, chân… khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Tuy nhiên, phần lớn người đồng bào vùng cao Ba Tơ lại khẳng định đây là đặc sản siêu sạch, siêu ngon mà ít người miền xuôi biết đến.

Những con nòng nọc mập ú được người dân Ba Tơ chế biến thành món xào măng rừng hoặc sả ớt.
Những con nòng nọc mập ú được người dân Ba Tơ chế biến thành món xào măng rừng hoặc sả ớt. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo ông Phạm Văn Rê (xã Ba Dinh), nhiều người sợ nhầm nòng nọc của có sẽ độc, tuy nhiên ông khẳng định tập quán của loài cóc không bao giờ đẻ ở khu vực đồng ruộng ngập nước.

“Con nòng nọc thấy thì dễ sợ nhưng ăn rất ngon. Nòng nọc chế biến xong rất thơm, ngọt nên ai cũng thích. Thịt nòng nọc giúp người ăn ngủ rất ngon, giảm nhức mỏi”, ông Rê nói.

Theo báo Tiền Phong, nòng nọc chỉ sống trong môi trường nước sạch, không hóa chất, được xem là món ăn đặc sản “siêu sạch”, “siêu” bổ dưỡng của người dân tộc Hre. Nòng nọc sau khi bắt về được người dân mổ bỏ ruột rồi cho ít muối rửa sạch. Sau đó để cho ráo mới mang đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như: Nấu canh với rau rừng, ướp với sả, ớt để xào, nướng… Chỉ cần cho vào miệng là lập tức dậy lên đủ thứ mùi vị, ngọt, béo, giòn, thơm ngậy. Bởi thế, đây từ lâu là món nhậu khoái khẩu của các “quý ông”.

Ngoài ra nòng nọc là món được xem là “siêu” bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh vừa ngon, vừa mát, vừa lợi sữa, còn đối với các cụ già sẽ giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc.

Dụng cụ bắt nòng nọc chủ yếu chỉ là rổ và một cái đụt tre đeo bên hông. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Nòng nọc được người dân ví có thịt ngon và bổ dưỡng hơn nhiều loại thịt heo, bò. (Ảnh Nguyễn Ngọc)

Dụng cụ săn nòng nọc cực kỳ đơn giản, chỉ cần một cái rổ tre hoặc nhựa và một cái đụt tre đeo bên hông là đồ nghề để “săn” nòng nọc của người dân tộc Hre nơi đây. Bất kỳ ai cũng có thể “săn” được nòng nọc. Với họ, đây là món ăn quen thuộc và “quý hiếm”, vì mỗi năm chỉ có vài tháng để thưởng thức.

Nhiều người bắt nòng nọc bán kiếm thêm thu nhập chi tiêu hàng ngày.
Bà lão bán nòng nọc để có thêm thu nhập. (Ảnh: Báo Tiền Phong) 

Vì số lượng nòng nọc bắt được ít nên phần lớn được người dân mang về chế biến làm thức ăn cho gia đình. Thỉnh thoảng hôm nào được nhiều quá thì mới mang ra chợ bán. Nòng nọc được bán theo lon đong gạo với giá 20.000 đồng/lon ( khoảng 70-100.000 đồng/kg)

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)