Mặc dù cam kết giảm sản lượng dầu thô của OPEC dự kiến sẽ hỗ trợ thị trường cao su, nhưng việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc vẫn sẽ là yếu tố lớn hơn gây tác động bất lợi cho loại hàng hóa này.

Kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, tăng trưởng 6,9% năm 2017 nhờ tiêu dùng nội địa tăng mạnh, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất từ năm 2015.

Tuy nhiên, các tổ chức xếp hàng tín nhiệm quốc tế Moody’s và S&P đã 2 lần hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc do lo ngại về mức nợ vay đang phình to của nước này. IMF cảnh báo nợ của Trung Quốc đang nằm ở ngưỡng nguy hiểm (khoảng 260% GDP – bao gồm nợ của các ngân hàng, doanh nghiệp, hộ gia đình và nợ công).

Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 6,4% trong năm 2018 từ mức 6,8% của năm 2017. Mức tăng trưởng thấp hơn này có thể sẽ tác động mạnh đến nhu cầu và giá cao su thiên nhiên năm 2018 do Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu và tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, thị trường cao su có thể sẽ được “đỡ” phần nào do kinh tế thế giới đang phục hồi rõ nét.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước đạt 3,6% năm 2017, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016 nhờ đầu tư, thương mại và sản xuất công nghiệp gia tăng.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 dự báo ở mức 4%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2017.

Bên cạnh đó, việc các nước thành viên OPEC cam kết giảm lượng dầu thô và đồng USD mạnh lại hỗ trợ cho tâm lý tích cực về thị trường hàng hóa toàn cầu.

Trong trung hạn, thị trường cũng có triển vọng tích cực khi tình trạng mất cung – cầu cao su thiên nhiên ở Trung Quốc dự báo sẽ ngày càng tăng lên. Đến năm 2020, chênh lệch cung – cầu dự báo sẽ vào khoảng 5,142 triệu tấn, tăng 32,3% so với năm 2015.

Nhu cầu cao su từ ngành ô tô và lốp xe ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng và ước đạt 6,791 triệu tấn vào năm 2018.

Thị trường lốp xe toàn cầu cũng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và đáp ứng những nhu cầu khác nhau về các loại lốp xe. Sản lượng lốp xe toàn cầu trong 5 năm tới ước đạt 2,7 tỷ lốp, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 3,4%/năm trong giai đoạn 2017–2022.

Động lực tăng trưởng ngành sản xuất ô tô và vỏ xe sẽ đến từ các thị trường phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, đặc biệt là sự gia tăng sản lượng và đổi mới ở các nước mới nổi tại châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc.

Cũng nhờ sự phát triển của tiêu dùng ô tô, thị trường cao su Việt Nam nói chung và cao su thiên nhiên nói riêng sẽ tiếp tục có những tăng trưởng mạnh trong vài năm tới.

Theo dự báo của Bộ Công thương, mức tiêu dùng ô tô của người Việt sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Cụ thể, vào năm 2025, nhu cầu ô tô của Việt Nam sẽ đạt khoảng 800.000–900.000 xe và tới năm 2030 sẽ tăng lên 1,5–1,8 triệu chiếc.

Quy định tăng tỷ trọng xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước. Với tình hình đó, dự báo trong năm nay và các năm tới, doanh số lốp xe ô tô có khả năng tăng trưởng khá, đặc biệt là lốp radial.

Ngành săm lốp Việt Nam tăng trưởng khá mạnh những năm qua.
Ngành săm lốp Việt Nam tăng trưởng khá mạnh những năm qua.

Cần chú ý thêm rằng, trong ngành săm lốp, săm lốp ô tô tuy không nhiều về số lượng nhưng về giá trị thị trường chiếm đến trên 50%, trong khi săm lốp xe máy vào khoảng 42% giá trị, còn lại là săm lốp xe đạp.

Giá cao su nguyên liệu ở mức thấp, tiêu thụ ô tô tăng trưởng khá, hạ tầng giao thông được cải thiện, các tuyến đường cao tốc được khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp.

Tuệ Minh