Người trồng lúa Việt Nam những tháng đầu năm 2018 đã tránh được cảnh “được mùa mất giá” thường thấy khi giá gạo xuất khẩu tăng liên tục, trong khi sản lượng cũng đạt mức cao.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 5 tháng đầu năm ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 38% kế hoạch năm.

Đáng chú ý nhất là mặt hàng lúa gạo “được mùa, được giá”, với giá trị xuất khẩu tăng mạnh.

Cụ thể, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến nay đã hoàn thành thu hoạch lúa gạo với năng suất đạt 69,2 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước, trong khi sản lượng đạt gần 10,9 triệu tấn, tăng 1,06 triệu tấn so với vụ trước.

Lúa gạo Việt Nam được mùa, giá xuất khẩu tăng cao nhất trong 4 năm
Sản lượng và năng suất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng. (Ảnh: Báo Công thương)

Niềm vui với người trồng lúa năm nay là sản lượng tăng nhưng giá bán cũng tăng. Báo cáo cho thấy giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam vào thời điểm trung tuần tháng 5 đạt 458-462 USD/tấn – mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Mức giá này của Việt Nam cao hơn giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ là 404-408 USD/tấn, và gạo 5% tấm của Thái Lan là 435-440 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,66 triệu tấn, giá trị đạt 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo trước đó của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu lượng gạo lớn nhất của Việt Nam (với hơn 1,1 triệu tấn tính đến cuối tháng 5), tiếp đến là Indonesia (khoảng 774.000 tấn) và Philippines (gần 418.000 tấn).

Dự báo từ nay đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo trở lại sang Philippines.

Đại diện Bộ Nông nghiệp mới đây cho biết mục tiêu năm 2018 của Việt Nam là hướng tới xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo với cơ cấu chủ yếu là gạo chất lượng cao, còn loại gạo thường sẽ không quá 20%. Mục tiêu đặt ra trước đó là xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết lượng gạo còn trong kho của Việt Nam tính đến hết tháng 5/2018 vào khoảng 1,08 triệu tấn, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam đang chiếm số lượng lớn với 325.812 tấn, tiếp đến là Tổng công ty Lương thực miền Bắc với 165.000 tấn, còn lại hơn 598.000 tấn thuộc chục doanh nghiệp khác.

Trong năm 2017, tổng khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,9-6 triệu tấn, tăng 1,1-1,2 triệu tấn so với năm 2016.

Minh Tuệ