Sáu năm qua, lớp võ dành cho bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên an ninh diễn ra đều đặn vào các buổi chiều tại bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung khiến dư luận phẫn nộ, những người công tác trong ngành y hoang mang. Trước thực trạng này, nhiều đề xuất và phương án đối phó đã được đưa ra như lập chốt công an , dạy võ và trang bị thêm kỹ năng ứng xử cho các bác sĩ, y tá.

Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) đã tổ chức thuê võ sư về dạy cho các y bác sĩ của viện. Điều dưỡng trưởng Khoa ngoại Đặng Ngọc Hà cho biết, lớp học võ có hơn 60 học viên. Một tuần ba buổi, cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên an ninh, tài xế… tham gia câu lạc bộ võ thuật tại viện.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp cho biết, bệnh viện là tuyến cuối ở Hải Phòng, thường có 1.700 đến 1.800 bệnh nhân nội trú và hơn 1.000 bệnh nhân khám bệnh mỗi ngày. Do đó bệnh viện rất dễ xảy ra những xung đột, theo Vnexpress.

Một số bệnh viện đã thuê thầy dạy võ về dạy cho các y, bác sĩ nhằm đối phó khi bị người khác hành hung. (Hình minh họa)

Để bảo đảm an ninh, ngoài chốt công an, lãnh đạo bệnh viện đã củng cố sắp xếp lại các khoa phòng để thuận tiện khám chữa bệnh, đặc biệt những nơi nhạy cảm như khoa cấp cứu. Cán bộ nhân viên được tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử, các kỹ năng mềm với bệnh nhân. Lực lượng bảo vệ vừa bảo vệ, vừa chủ động hướng dẫn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Trước đó, một hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên MXH ghi lại cảnh một công an được bố trí ngồi trước cửa một bệnh viện được chụp tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội). Tại bệnh viện này, các khoa khám bệnh đều được bố trí công an canh gác để đảm bảo an toàn cho bác sĩ trong khi làm việc, theo Giao thông.

Hình ảnh Công an “cắm chốt” tại bệnh viện Đức Giang để chống hành hung bác sỹ. (Ảnh: Giao Thông)

Đại diện phòng Tổ chức nhân sự bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: “vài năm về trước, bệnh viện đã xảy ra nhiều vụ việc xô xát giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ nên Ban giám đốc bệnh viện bố trí 10 người trong đội ngũ công an, trực thay ca 24/24 tại các khoa bệnh nhiều năm nay để đảm bảo trật tự an toàn cho bác sĩ khi làm việc. Từ khi tăng cường lực lương công an, tình trạng hành hung bác sĩ tuy chưa thể khắc phục triệt để song đã giảm thiểu rất nhiều”.

Bên cạnh một số ý kiến lên án hành vi hành hung bác sỹ, ủng hộ cách làm của Bệnh viện Đức Giang, một bạn đọc bày tỏ băn khoăn: “Thật đáng buồn và lo ngại! Bác sĩ thời nay phải đi học võ để tự vệ.”

Bạn Trần Hoàng Khải chia sẻ: ” Làm đúng với câu lương y như từ mẩu. Hết lòng vì bệnh nhân. Thi cần gì phải học võ ?”

Bạn Nguyễn Đức Dũng góp ý: ” Theo tôi thì việc này quá mất thời gian mà không có tác dụng gì để bảo vệ bác sĩ ngoài việc tăng cường sức khỏe. Các bác sĩ nên giành thời gian trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là phong cách ứng xử, thái độ phục vụ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như thế nào cho phù hợp chứ không nên có thái độ ban ơn, cửa quyền và quy trình quá nguyên tắc. Luôn phải khắc ghi việc khám, chữa bệnh là trách nhiệm tối thượng của nghề y và không để những suy nghĩ về vật chất đen xen vào thì lúc đó đảm bảo không có ai xâm hại, bạo lực với bác sĩ nữa mà sẽ nhận được toàn là những lời cảm ơn chân tình, kính trọng của xã hội…”

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa lên tiếng kêu gọi các cấp chính quyền, đoàn thể “không để ngành Y tế đơn độc”. Bộ trưởng Tiến đề xuất giải pháp bố trí lực lượng Công an cắm chốt ở bệnh viện và có liên hệ địa bàn gần nhất, có đường dây nóng để có thể thông báo sự việc nhanh nhất. Phía bệnh viện sẽ lắp đặt camera để quan sát hành vi các đối tượng gây ra với cán bộ y tế…

Hoàng Minh (TH)