Những ngày này, không khí Tết ở làng nghề gói bánh chưng truyền thống Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) trở nên tấp nập hơn ngày thường. Ở ngôi làng này, Tết dường như ghé thăm sớm hơn so với nhiều nơi khác.

Hiện cả làng có khoảng trên 100 hộ dân làm nghề gói bánh chưng, trong đó có khoảng 15 hộ có quy mô sản xuất lớn. Ngày thường chỉ có khoảng 30 hộ dân trong làng gói bánh nhỏ bán cho các cửa hàng khắp Hà Nội làm món quà sáng. Vào mùa cưới hỏi, các nhà sẽ gói bánh to phục vụ khách có nhu cầu.

Khi vào vụ Tết, 100% hộ dân trong làng gác mọi công việc để sản xuất bánh. Cao điểm của vụ bánh Tết hàng năm là từ ngày 10/12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau.

Vào vụ Tết, hộ gia đình nhà ông Nguyễn Văn Bảy, một trong 15 hộ có quy mô sản xuất lớn trong làng, phải huy động tất cả họ hàng, con cháu trong nhà, đồng thời thuê thêm 6-7 người gói bánh phục vụ khách hàng.

Theo ông Bảy, những ngày giáp Tết, đặc biệt là ngày ông Công ông Táo về trời, mỗi ngày nhà ông sản xuất khoảng 2.000 chiếc bánh chưng (gấp 5-6 lần ngày thường). Mỗi chiếc bánh vuông có trọng lượng khoảng 7-8 lạng có giá khoảng 40.000-50.000 đồng. 

bánh chưng
Hộ gia đình nhà ông Bảy tại làng Tranh Khúc đang gói bánh.

Ngoài ra, để chủ động cho việc làm bánh, nhiều hộ dân trong làng đã tự trồng lá dong thay bằng phải đi thu mua lá ở khắp nơi như xưa. Đồng thời, hiện cả làng Tranh Khúc đã chuyển từ luộc bánh chưng bằng bếp than, củi sang nồi điện. Mỗi mẻ bánh trong nồi điện có thể xếp được 200 chiếc bánh loại 8 lạng. Bánh được đun liên tục khoảng 10 tiếng. Khi bánh chín sẽ được vớt ra để nguội, sau đó dán nhãn, đóng gói, hút chân không và xuất ra thị trường.

Bắt đầu khoảng 2-3 năm gần đây, người làng Tranh Khúc không chỉ gói bánh chưng xanh truyền thống, nhiều nhà còn gói bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng chay… theo thị hiếu của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, tỉ mỉ cùng kinh nghiệm làm bánh được đúc kết từ bao năm của các nghệ nhân trong làng đã tạo ra những chiếc bánh không thể trộn lẫn.

Tổng hợp