Năm 2017 đã gần kết thúc với nhiều sự kiện nổi bật vẽ lên một bức tranh đa sắc màu của nền kinh tế Việt Nam. Dù có nhiều gam màu trầm, nhưng về chủ đạo, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. 

6,7% là con số tăng trưởng GDP 2017

Cả Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam sẽ đặt mức 6,7%, cao hơn mức 6,21% của năm 2016. Đây là một dấu mốc đáng nhớ vì kể từ năm 2009 đến nay tăng trưởng GDP đều ở dưới con số này (trừ năm 2010).

3,42% là tỷ lệ bội chi ngân sách

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, mức bội chi năm 2017 trong ngưỡng 3,5% GDP. (Ảnh VnEpress).

Theo dự báo của Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, bội chi ngân sách năm 2017 vào khoảng 174.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,42% GDP. Đây là tỷ lệ bội chi thấp nhất trong 10 năm qua sau những nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ nhằm giữ bội chi ngân sách ở mức dưới 3,5% GDP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải nhìn nhận bội chi năm 2017 là mức khả quan nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép.

400 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

Năm 2017 là lần đầu tiên trong lịch sử tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt con số kỷ lục trên 400 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt trên 3 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Năm 2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD. Bốn năm sau (2011), quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi lên con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (2015). Và chỉ cần 2 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12/2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục 400 tỷ USD.

1.000 điểm là mốc thị trường chứng khoán đang hướng tới

nhung con so kinh te noi bat nam 2017
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán chứng kiến mức tăng trưởng đột biến.

“Quá mạnh”, “thăng hoa” hay “ngoài sức tưởng tượng” là những tính từ được các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư và giới quan sát miêu tả về biến động của thị trường chứng khoán trong năm 2017.

Tính một cách đơn giản, cả năm 2015, VN-Index chỉ tăng được gần 40 điểm, năm 2016 tăng 80 điểm, thì khi gần kết thúc năm 2017 chỉ số này đã tăng gần 300 điểm – vượt qua mốc 950 điểm và tương đương với mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sở dĩ thị trường chứng khoán Việt có mức tăng trưởng “nóng” như vậy trong thời gian qua là nhờ vào các thương vụ thoái vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco hay các vụ phát hành riêng lẻ của Vincom Retail, HD Bank, VP Bank.

35 tỷ USD là số vốn FDI đăng ký trong năm 2017

Tính chung trong năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến ngày 20/12/2017, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016. Có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.

Nguyễn Thu