Chẳng có đôi mắt tinh tường nhưng hai người đàn ông ở Hà Tĩnh lại có tài sửa chữa đồ điện, các loại khóa chẳng kém ai. Với ông Sỹ, nhiều thiết bị điện hỏng hóc qua tay được hoạt động trở lại, còn ông Dương không chỉ sửa khóa giỏi mà chơi đàn cũng điệu nghệ.  

Ông Đinh Viết Sỹ (53 tuổi, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không có được đôi mắt sáng nhưng bù lại rất nhanh nhạy với việc “bắt bệnh” thiết bị điện. Gần như món đồ điện nào hỏng mà vào tay ông đều hoạt động trở lại.

Nhiều người nghe ông mù có thể sửa đồ điện thì không tin, nhưng khi xem ai nấy đều thán phục. Người dân quanh vùng có quạt, loa hỏng… đều mang đến nhờ sửa. Ngay cả hệ thống điện trong nhà hỏng cũng tự tay ông tự sửa hết.

hai nguoi dan ong khiem thi o ha tinh co tai sua khoa bat benh do dien
Ông Sỹ chỉ ước trời cho sức khỏe để đỡ đần vợ con, phục vụ cho những ai cần tới nghề sửa chữa điện tử. (Ảnh: VnExpress)

Nghề sửa chữa điện đòi hỏi phải có đôi mắt sáng để có thể tháo lắp, đấu nối. Nhưng với người mù lại khác, “cái khó ló cái khôn” ông không dùng bút điện mà tháo dây nối với đài để thử xem đứt mạch chỗ nào nối chỗ đó. Cũng có lúc ông căng dây điện, tìm mạch đứt mất vài tiếng mới xong. Trừ những thiết bị cháy hẳn thì ông chịu, còn hỏng hóc mạch bên trong đều tự nối được. Ngoài sửa đồ điện, ông còn chế micro từ vật liệu bỏ đi để hát karaoke.

“Cứ đến mùa hè, tôi đắt khách hơn, mọi người thường đem quạt điện hỏng tới sửa. Tiền công để mua thêm ít thực phẩm, cải thiện bữa ăn cho gia đình”, ông Sỹ bộc bạch.

Về căn nguyên khiến đôi mắt không còn được nhìn thấy ánh sáng, ông thợ mù trầm ngâm kể với VnExpress, lên 9 tuổi, khi đang chơi đùa thì bị ngã, vật cứng chọc vào mắt gây hỏng giác mạc. Nhà làm nông vốn nghèo, không có tiền đi viện nên đến thầy lang chữa trị, một thời gian sau thì đôi mắt mờ hẳn. Từ đó, ông phải nghỉ học, quanh quẩn ở nhà với tâm trạng chán nản. Về sau, ông học cách tự đi một mình, lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của người khác bằng tai.

hai nguoi dan ong khiem thi o ha tinh co tai sua khoa bat benh do dien
Ông Sỹ có riêng một bì tải đựng đồ nghề như ốc vít, tuốc nơ vít, các thiết bị điện. (Ảnh cắt từ video VnExpress)

Trải qua một lần lỡ dở, người vợ hiện tại có với ông một cô con gái học lớp 12. Hai vợ chồng sống dựa vào hơn một mẫu ruộng, thi thoảng mò cua bắt ốc. Để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, ông đã tranh thủ mày mò, sửa đồ điện tử và phát hiện ra mình có tài lẻ từ đó.

Theo bà Nguyệt (48 tuổi, vợ ông Sỹ), cả hai đến với nhau từ tình thương. Ông không có được đôi mắt sáng như bao người nhưng rất tâm lý, giỏi việc đồng áng và còn giành làm hết các phần việc của vợ.

Cũng giống như ông Sỹ, hành trình đến với nghề “dành cho người mắt sáng” của ông lão khiếm thị Phan Dương (thôn Long Sơn, xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) lắm nỗi gian nan.

Theo Báo Pháp Luật TP. HCM, ông Dương khi sinh ra trong nghèo khó, lúc trưởng thành lại gian truân. Sinh ra khỏe mạnh nhưng năm 7 tuổi mắt ông sưng vù và đau nhức. Gia đình vay tiền chạy thầy thuốc chữa khắp nơi nhưng bác sĩ lắc đầu nói không thể cứu được đôi mắt.

Phải mất nhiều năm ông mới vượt qua cú sốc và làm quen với cuộc sống của người mù. Đến năm 12 tuổi, cậu thiếu niên ấy đã nghĩ đến việc phải kiếm một công việc để tự lập, nuôi sống bản thân.

Kinh qua đủ nghề từ mộc, đàn hát kiếm sống, làm bún… nhưng ông đều không gắn bó với công việc nào được lâu dài. Cho đến một ngày khi đang buôn bán ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), tình cờ ông gặp một người thợ sửa khóa quê Hải Phòng rồi “mê” ngay cái nghề này.

hai nguoi dan ong khiem thi o ha tinh co tai sua khoa bat benh do dien
Mắt không nhìn thấy nhưng ông Dương không chịu khuất phục trước ổ khóa nào… (Ảnh: Dân Trí)

Song quá trình học nghề cũng khó khăn đủ đường. Người ta nói cái nghề này đòi hỏi khéo léo, người mắt sáng học được còn khó nên không ai chịu nhận làm “đệ tử”. Nhiều tháng trời ông mù đi khắp Hà Nội, xuống cả Hải Phòng vẫn không xin học được. Sau cùng người đàn ông này đành đến chỗ thợ sửa để nghe ngóng cách làm, rồi mua một bộ đồ nghề về mày mò tự học.

Sau đó, ông về quê dựng một túp lều nhỏ ở chợ để sửa khóa và đặt tấm bảng lớn “sửa không được, không lấy tiền”. Ban đầu một vài khách đến vì tò mò chứ không ai tin ông mù có thể sửa được khóa. Cho đến khi được tận mắt xem thì không ai còn nghi ngờ gì tài nghệ của ông nữa. “Tiếng lành đồn xa” người dân các nơi cứ mất, hỏng khóa lại mang đến tìm ông thợ mù. Tiệm sửa khóa nhỏ không được bao tiền nhưng cũng giúp ông đỡ đần được cho vợ con.

hai nguoi dan ong khiem thi o ha tinh co tai sua khoa bat benh do dien
Trời phú còn phú cho ông giọng hát hay cộng với nhạc cảm tốt nên đàn hát thành thục. (Ảnh: VnExpress)

Không chỉ có nghề sủa khóa, rảnh rỗi ông Dương lại đan lát rổ rá hoặc kiếm gỗ vụn làm những vật dụng trong nhà. Lúc nào ông cũng luôn chân luôn tay, nhanh nhẹn, vui vẻ. “Có khi quên mất đôi mắt mình không còn nhìn được”, ông cười chia sẻ.

Hồng Hoa (Tổng hợp)