Một phương pháp đơn giản để tăng năng suất lao động cho người Việt là nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài rồi ứng dụng vào sản xuất.

Đó là chia sẻ của Giáo sư Trần Văn Thọ, hiện đang làm việc tại Đại học Waseda (Nhật Bản), tại cuộc hội thảo “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra ngày 11/1.

năng suất lao động của người Việt
Giáo sư Trần Văn Thọ – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ. (Ảnh: Zing)

Theo Giáo sư Thọ, kinh tế Việt Nam có nhiều đặc trưng đáng lo ngại, như lao động trong khu vực nông nghiệp dư thừa, khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn, trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn (gần 42% năm 2016).

Bên cạnh đó, cơ cấu vốn đầu tư trong nền kinh tế không hiệu quả khi doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cao và được ưu đãi, còn doanh nghiệp tư nhân nhỏ lại gặp bất lợi trong các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI) chiếm vị trí lớn trong nền kinh tế, nhưng liên kết hàng dọc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn quá yếu. Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quy mô quá nhỏ, năng suất thấp, không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Giáo sư Thọ cho biết Việt Nam hiện có nhiều điểm tương đồng so với Nhật Bản vào khoảng 60 năm trước, nhưng nước Nhật đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp hiện đại nhờ tăng năng suất lao động bằng cách tăng quy mô doanh nghiệp và cải tiến công nghệ. Điểm đặc biệt là Nhật Bản chủ yếu đi lên bằng cách nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài.

Theo GS. Thọ, ông không thấy ở Việt Nam có số liệu thống kê về công nghệ nhập khẩu mỗi năm.

“Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm. Ví như nếu muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước, phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài về ứng dụng vào sản xuất”, Giáo sư Thọ chia sẻ.

Ông cho rằng thời gian tới Việt Nam cần bổ sung thống kê về công nghệ nhập khẩu để thấy được bức tranh toàn cảnh về xuất, nhập khẩu công nghệ của doanh nghiệp Việt để từ đó tái phân bổ nguồn lực, cách tân công nghệ, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp mới có thể nâng cao năng suất lao động.

Vị giáo sư này cũng cho rằng Việt Nam cần tăng tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân bằng cơ chế, hỗ trợ họ tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn – Phó Ban Kinh tế Trung ương, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và tốc độ gia tăng năng suất lao động nói riêng đang có xu hướng chậm lại do mô hình tăng trưởng cũ, chậm đổi mới.

“Năng suất lao động rõ ràng có vấn đề, căn cứ vào con số thống kê thấy rất buồn. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào,” ông Tuấn nói.

Vị quan chức này cho rằng việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới. Tuy nhiên, đây đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Xuân Tú