Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 29/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
TP. HCM đề xuất sẽ bỏ xếp hạng học sinh
TP. HCM đề nghị ngành giáo dục bỏ xếp hạng trong lớp để tránh áp lực tâm lý cho học sinh và giáo viên.
Theo VnExpress, sở Giáo dục và Đào tạo vừa nhận được đề xuất từ TP. HCM về thực hiện nhiều đề xuất của học sinh tại buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố.
Trong đó có việc điều chỉnh thời gian học vào buổi sáng đang quá sớm, tăng giờ nghỉ giải lao giữa giờ; bỏ xếp hạng trong lớp để không gây áp lực tâm lý cho học sinh, giảm áp lực thi đua cho giáo viên.
Những nội dung chỉ đạo của UBND TP nói trên nằm trong kế hoạch thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy TP. HCM tại chương trình Lãnh đạo TP gặp gỡ thiếu nhi năm 2019. Kết quả tổ chức thực hiện phải được các sở, ngành, quận huyện, đoàn thể báo cáo trình lãnh đạo TP và Hội đồng nhân dân TP vào cuối năm 2019, theo Tuổi Trẻ Online.
Theo đề nghị của học sinh, ngành giáo dục sẽ khảo sát cơ sở vật chất các phòng học hướng nghiệp, phòng thực hành, vi tính trong trường học; khắc phục tình trạng sĩ số quá đông; ra đề thi, kiểm tra lồng ghép kiến thức xã hội…
Các trường học sắp tới cũng tăng cường tuyên truyền chống xâm hại trẻ em, các chuyên đề ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường.
Thành phố cũng giao 24 quận huyện tổ chức gặp gỡ học sinh hàng năm, lắng nghe tâm tư, đề xuất của các em học sinh để có giải pháp kịp thời.
Hiện, nhiều trường tại TP HCM vẫn xếp hạng học sinh cuối năm.
Lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc có thể phạt 18 triệu đồng
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016, Bộ GTVT đề xuất tăng nặng nhiều hành vi vi phạm trên đường cao tốc, theo Zing.vn.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm trên đường cao tốc. Trong đó, các hành vi nguy hiểm như: lùi xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc, Bộ GTVT đề xuất phạt cao nhất là 18 triệu đồng và tước GPLX 16 tháng.
Đáng chú ý, tại điểm h Khoản 5 về xử phạt người điều khiển ôtô vi phạm quy tắc giao thông, đang gộp chung các hành vi vi phạm trên đường cao tốc với mức xử phạt chỉ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng và tước GPLX 1-3 tháng.
Còn tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất tách ra thành nhiều hành vi khác nhau với mức xử phạt tăng nặng.
Cụ thể, dự thảo tách hành vi lùi xe trên cao tốc thành một điểm riêng với mức phạt tiền 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 4-6 tháng. Hành vi quay đầu xe trên đường cao tốc cũng được tách thành điểm riêng với mức xử phạt tăng nặng lên 7-8 triệu và tước GPLX 4-6 tháng.
Trưng bày tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa
Tàu cá ĐNa 90152TS do ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa hiến tặng đã được thành phố Đà Nẵng đưa từ âu thuyền Thọ Quang về đặt tại khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa, hướng mũi ra biển Đông, theo VnExpress.
Con tàu được đặt ở mặt tiền đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), lớp sơn đã xuống màu sau nhiều năm phơi mưa nắng. Bên mạn trái, những thớ gỗ bị xé toang vẫn hằn nguyên dấu tích vết đâm do tàu sắt Trung Quốc gây ra.
Lá cờ đỏ sao vàng được thay mới, bệ đỡ thân tàu là những trụ sắt lớn. Dưới mạn tàu là hai khối đá màu trắng được các nghệ nhân làng đá Non Nước (Đà Nẵng) chạm hoa văn hình ngọn sóng.
Đơn vị thi công đang tính toán các phương án tạo cảnh quan, di dời một số trụ đèn để tạo không gian mở và thuận tiện cho khách tham quan, chụp ảnh trước khi bàn giao cho Nhà trưng bày.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), bày tỏ vui mừng vì sau nhiều nỗ lực, con tàu chứng tích Hoàng Sa sắp được trưng bày.
Trong thiết kế ban đầu của Nhà trưng bày Hoàng Sa không có hạng mục trưng bày tàu cá. Tuy nhiên, trong những ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tông chìm tàu cá Đà Nẵng, ông Ngữ là một trong những người đưa ra phương án phải trưng bày chứng tích này.
Chuẩn bị sáp nhập 16 phường ở TP. HCM
Quận 2, 3, 4, 5, 6, 8, 10, Phú Nhuận có phường không đủ diện tích và dân số theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính, theo VnExpress.
Ngày 29/5, ông Đỗ Văn Đạo (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM) cho biết, trong năm nay thành phố cơ bản hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có diện tích và dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Có tổng cộng 16 phường (trên tổng số 322 phường, xã, thị trấn của 24 quận huyện) buộc phải sáp nhập vì không đạt cả hai tiêu chí trên. Trong đó, quận 2 có 4 phường; quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận mỗi nơi có 2 phường; quận 6, 8 có một phường.
Riêng quận 2 có 3 phường đã bị giải tỏa trắng để xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không còn dân. Do đó, thành phố kiến nghị Trung ương vẫn cho giữ lại vì khi hoàn chỉnh khu đô thị người dân sẽ về.
Trước đây TP HCM nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chính. Sau năm 1975, quận 7 nhập vào 8 thành quận 8 bây giờ. Quận 1 hiện hữu cũng được ghép từ quận 2.
Quận Bình Thạnh được sáp nhập từ quận Bình Hòa với Thạnh Mỹ Tây. Còn quận 9 trước đây nhập với huyện Thủ Đức thành huyện Thủ Đức, sau đó lại tách ra thành quận 9 và quận Thủ Đức…
Quận 1 lúc trước có 23 phường, hiện còn 10; Bình Thạnh có 28 phường được sáp nhập còn 20; quận 3 và Phú Nhuận trước có 24 và 17 phường nhưng giờ còn 15…
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều may mắn và yêu thương!
Đại Kỷ Nguyên News