Đêm nay (10/6) là thời gian “vàng” trong năm để người trái đất thưởng lãm sao Mộc vào thời điểm nó sáng nhất và lớn nhất trên bầu trời đêm.

Theo NASA, vào ngày 10/6, Sao Mộc – hành tinh to lớn nhất của Hệ Mặt trời – sẽ nằm vào vị trí thẳng hàng với mặt trời và trái đất, cũng là điểm gần trái đất nhất trên quỹ đạo của nó. Vì vậy, con người có thể dễ dàng quan sát nó bằng mắt thường trên bầu trời không chỉ ngày 10-6 mà là suốt tháng.

“Sao Mộc lớn nhất và sáng nhất trong tháng này, mọc vào lúc hoàng hôn và có thể nhìn thấy cả đêm” – NASA viết trên Twitter.

Sao Mộc và 4 mặt trăng lớn nhất của nó. (Ảnh: NASA).

Đặc biệt hơn, hành tinh được mô tả là đẹp như tranh Van Gogh, nổi tiếng với số vệ tinh đông đúc này sẽ trình diễn ít nhất 4 trong số 67 mặt trăng của nó dưới con mắt người trái đất. Và do khoảng cách cực gần, bạn cũng không cần đến kính viễn vọng: chỉ một cái ống nhòm thông thường là đủ.

4 mặt trăng nói trên cũng là 4 thiên thể quen thuộc với người yêu thiên văn học, do đã được NASA “chăm sóc” kỹ càng thời gian qua và được giới khoa học thế giới nhắc đến trong nhiều nghiên cứu.

Cũng theo lời cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), Sao Mộc sẽ thường xuyên xuất hiện trong tháng 6 này, nhưng sẽ chỉ có một đêm (10/6) nó tới gần Trái Đất nhất.

Mặt Trăng của chúng ta và bốn mặt trăng của Sao Mộc (phía xa), được u/umn2o2co2 chụp và đăng tải trên Reddit.

Sao Mộc sẽ tỏa sáng hơn bất kỳ ngôi sao nào khác trên bầu trời đêm, và là hành tinh sáng thứ hai chỉ thua sao Kim, theo trang Astronomy.com. Tuy nhiên, sao Kim chỉ chứng minh sự hiện diện trong thời gian ngắn, trong khi sao Mộc luôn rực rỡ cả đêm vào tháng đặc biệt này.

Theo tính toán, chu kỳ xoay quanh mặt trời của sao Mộc là 4.333 ngày. Với kích thước bề ngang 143.000 km, nó là hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời chúng ta, gấp 1.300 lần Trái đất và mang theo đội ngũ mặt trăng hùng hậu, tính đến nay đã đạt con số 79.

Các mặt trăng của Sao Mộc gồm có: 

  • Europa, “mặt trăng sự sống” có bán kính 0,245 lần trái đất, là thiên thể mà tàu Gallileo của NASA từ lâu đã tìm thấy những luồng hơi nước phun cao đến 193 km từ dưới bề mặt băng giá. Đây là dấu hiệu của đại dương ngầm có hệ thống thủy nhiệt, có thể rất giống với hệ thống thủy nhiệt ở Nam Cực và Hawaii. 
  • “Mặt trăng núi lửa” Io, bán kính 0,286 lần trái đất cũng hiện diện lần này. Với hơn 400 núi lửa đang hoạt động, Io là thiên thể có hoạt động địa chất mạnh mẽ nhất Hệ Mặt trời.
  • Ganymede, mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc, cũng hiện diện lần này. Với bán kính 0,413 lần trái đất, nó lớn hơn cả Sao Diêm Vương. Tàu Gallileo của NASA cũng từng do thám mặt trăng này và phát hiện ra từ quyển cùng khả năng sở hữu đại dương ngầm của nó.
  • Calisto, mặt trăng lớn thứ 2 của Sao Mộc, bán kính bằng 0,378 lần trái đất. Calisto cũng được cho là có đại dương ngầm và khả năng tồn tại sự sống dù không cao như Europa.

Thanh Thanh (tổng hợp)