Công khai thi hành một bản án tử hình sẽ có tác dụng răn đe và giáo dục pháp luật để bớt đi những vụ phạm pháp. Nhưng có lẽ đây cũng là bản an đối với gia đình tử tù.
Những ngày qua, thông tin về việc thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Hải Dương – kẻ sát hại 6 người trong 1 gia đình tại Bình Phước lan tràn trên khắp các mặt báo. Theo đó, Nguyễn Hải Dương sẽ bị xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc vào ngày 17/11.
Ông Nguyễn Phú Hải (cha của tử tù Nguyễn Hải Dương) cho biết, mẹ của Dương đã khóc ngất đi vì biết tin con trai sắp phải đền tội. Nỗi đau chất chồng nỗi đau khi ngoài việc biết ngày, giờ khúc ruột của mình sẽ trở về với cát bụi, thì nay, gia đình lại bị thêm điều tiếng, dè bỉu của dư luận cũng sự phiền phức từ những người hiếu kỳ.
Và đương nhiên, sự phán xét, bình luận dù thiện chí hay ác ý cũng đều vô tình trở thành những mũi dao xoáy sâu vào vết thương chưa kịp liền da của thân nhân 6 nạn nhân xấu số hay của những bậc làm cha, làm mẹ sinh ra những nghịch tử.
Còn nhớ vụ trọng án cũng gây chấn động năm 2010 – Nguyễn Đức Nghĩa sát hại bạn gái. Dư luận không hề biết tử tù Nguyễn Đức Nghĩa sẽ chịu hành quyết vào ngày nào, lúc nào, chỉ đến khi “sự đã rồi”, người nhà của tử tù đã lo xong hậu sự cho tên sát thủ mặt lạnh thì lúc đó, dư luận mới gợn 1 chút xôn xao.
Khi đó, những dòng chữ cuối cùng của tử tù để lại cho gia đình, những giây phút cuối đời của Nguyễn Đức Nghĩa mới được tiết lộ. Và độc giả đón nhận nó như 1 bước thực thi của luật pháp.
Và những gì đọng lại sau vụ án, sau cái chết của Nguyễn Đức Nghĩa có thể chỉ là sự xót xa, xót xa đến im lặng… Buổi sáng ngày 23/7/2014, khi thân nhân Nguyễn Đức Nghĩa đến làm thủ tục để nhận xác kẻ tử tù, tuyệt nhiên không có 1 tiếng khóc than. Đến cả dư luận, nếu có xôn xao nào thì cũng chỉ là thoáng chốc.
Có lẽ vị thần số phận đã bắt mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa phải chịu quá nhiều đau khổ – con gây tội tày trời, chồng mất vì tai nạn chỉ sau nửa năm xảy ra biến cố nên bà đã “thoát” được lời đàm tiếu của nhân gian trước khi mất đi núm ruột của mình.
Còn với vụ Nguyễn Hải Dương, tôi không ước có tình tiết giảm nhẹ tội cho những đau đớn mà hắn đã gây ra. Tôi chỉ “giá mà” vị Chánh án TAND tỉnh Bình Phước biết tôn trọng sự bảo mật của kế hoạch. Để nỗi đau của người làm cha, làm mẹ không bị người đời phán xét, dè bỉu, để sự mất mát được xoa dịu bằng lãng quên…
Người có tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như trước tòa án của lương tâm.
Nhưng thân nhân của người đó không đáng phải chịu những “phán quyết” của người đời.
Ánh Tuyết