Gần đây, liên tục xuất hiện một số website giả mạo các ngân hàng lớn tại Việt Nam khiến các chuyên gia bảo mật phải lên tiếng cảnh báo người dùng phải thận trọng.

Theo thông tin từ các cơ quan quản lý, việc giả mạo website của các ngân hàng có xu hướng gia tăng tại thị trường Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các ngân hàng bị giả mạo và đặc biệt trong nhiều trường hợp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của khách hàng.

Thông báo mới nhất từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gửi tới khách hàng cho biết ngân hàng này tiếp tục ghi nhận việc xuất hiện các trang thông tin điện tử giả mạo có tên miền gần giống trang website của Vietcombank như: (1) mail.www-vietcombank.com.vn, (2) www-vietcombank.com.vn, (3) www.www-vietcombank.com.vn.

Trước đó, Vietcombank cũng đã lên tiếng cảnh báo khách hàng về đường link giả mạo: http://homebank247.com, có hình thức rất giống với giao diện đăng nhập internet banking của nhà băng này. 

Vietcombank không phải là ngân hàng duy nhất lên tiếng về việc xuất hiện những website giả mạo này. Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã phát hiện địa chỉ: http://homebank247.com/Bidv giả mạo website của ngân hàng. 

Các chuyên gia bảo mật của trong lĩnh vực ngân hàng cho biết tin tặc có thể dễ dàng chiếm được toàn bộ các thông tin cá nhân của chủ thẻ như số tài khoản, mã PIN… hay thậm chí, cả số CVV/CVC ở mặt sau của thẻ tín dụng, khi người dùng đăng nhập vào các website giả mạo, để từ đó chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của khách hàng. 

Những website này được tin tặc thiết kế giao diện giống hệt với website thật hoặc có tên miền tương tự với website chính thức (có thể chỉ cần khác một ký tự) khiến người dùng nhầm tưởng và vô tư nhập các thông tin cá nhân vào đó. Sau đó, tất cả dữ liệu này có thể bị chúng kiểm soát. 

Nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và các thông tin giao dịch tài chính ngân hàng, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro nếu kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo khách hàng:

-Chỉ đăng nhập vào các website chính thức của các ngân hàng

-Không  đăng nhập vào hệ thống ngân hàng điện tử từ các đường link  giả mạo như trên hoặc từ các liên kết được gửi từ email, thông tin quảng cáo không tin tưởng, không rõ nguồn gốc. 

-Trường hợp nghi ngờ đã truy cập vào các liên kết giả mạo, khách hàng nên đổi mật khẩu gấp và liên hệ với tổng đài ngân hàng để được hỗ trợ nếu cần. 

Trong thời gian thời gian qua, không ít các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng đã xảy ra mà nguyên nhân phần lớn là do bị lộ thông tin cá nhân.

Ngoài những khuyến cáo trên, các chuyên gia bảo mật còn khuyên người dùng cẩn trọng, không cho người khác mượn thẻ, cất giữ thẻ cẩn thận, thường xuyên thay đổi mã PIN.  Khách hàng không nên để số tiền quá lớn trong thẻ ATM hoặc đặt hạn mức thấp nhất có thể cho thẻ tín dụng. Bởi khác với thẻ ATM, thẻ tín dụng chi trước trả sau với hạn mức được cấp hàng tháng gấp 3-4 lần thu nhập, tức là số tiền được dùng hoặc bị mất lên tới vài chục triệu đồng. 

Bên cạnh đó, chủ thẻ nên chủ động ngừng kích hoạt dịch vụ Internet Banking/ tính năng thanh toán trực tuyến khi không có nhu cầu sử dụng và kích hoạt trở lại khi cần dùng. Đây cũng là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ tài khoản.

Tuệ Minh