Trong quý I/2018, chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường hoạt động tốt nhất thế giới, trong khi Ba Lan và Anh là những thị trường mất điểm nhiều nhất.
Chỉ số VN-Index khép lại tháng 3 ở mức 1.174,46 điểm, ghi nhận mức tăng 19,3% kể từ đầu năm.
Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới theo dữ liệu của trang World Market Indices chuyên tổng hợp diễn biến các chỉ số chứng khoán.
Mức tăng trên của Việt Nam vượt xa các đối thủ đứng vị trí tiếp theo, trong đó Ai Cập đứng thứ hai với mức tăng 15,5%, Brazil đứng thứ ba với mức 11,7% và Nigeria đứng thứ tư với mức 8,5%.
Ở chiều ngược lại, Ba Lan là thị trường hoạt động kém nhất khi chỉ số chứng khoán của nước này giảm 8,4%, tiếp đến là sàn London của Anh giảm 8,2%.
Tại thị trường chứng khoán khoán lớn nhất thế giới là Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2,5% trong quý I/2018, sau khi tăng hơn 25% trong năm 2017.
Nếu tính trong vòng 1 năm qua, chứng khoán Mông Cổ đang là thị trường hoạt động tốt nhất khi đạt mức tăng 70,1%, tiếp đến là thị trường Nigeria tăng 62,6%. Việt Nam xếp thứ ba khi chỉ số VN-Index tăng 62,3% so với cuối tháng 3/2017.
Trên thị trường hàng hóa toàn cầu, giá dầu Brent kết thúc quý I tăng 5,1%, còn dầu thô của Mỹ tăng 7,5%. Trong khi đó, giá vàng tăng nhẹ 0,7% trong quý.
Triển vọng chứng khoán tháng 4
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng một mạch từ đầu năm 2017 đến nay và thiết lập mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua.
Đà tăng của thị trường đang chững lại do giới đầu tư trở nên thận trọng hơn sau khi VN-Index phá đỉnh thiết lập cách đây 11 năm và đang trong giai đoạn tích lũy. Lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng là yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho thị trường chung.
Tuy nhiên, viễn cảnh thị trường có vẻ vẫn khả quan trong mắt các chuyên gia và cả về phương diện thống kê.
Hãng tin Bloomberg mới đây tiến hành một cuộc khảo sát với 10 chuyên gia, trong đó nhận định chứng khoán Việt Nam sẽ còn tăng trong trung và dài hạn. Theo kết quả khảo sát, các chuyên gia dự báo chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 1.210 điểm vào cuối năm 2018.
Còn về ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có lợi thế về xác suất tăng điểm trong tháng 4 này.
Theo thống kê của trang Trí thức trẻ, kể từ năm 2008 tới nay, chỉ số VN-Index có tới 7 năm tăng điểm vào tháng 4, trong khi chỉ có 3 năm giảm điểm với mức giảm không đáng kể.
Ngoài yếu tố lịch sử đang ủng hộ xu hướng tăng của chứng khoán Việt Nam, thị trường có thể còn được hỗ trợ khi nhiều doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I/2018 và tiến hành họp đại hội cổ đông trong tháng này, trong đó sẽ công bố những kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Đây dự kiến sẽ là chất xúc tác cho đà tăng của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tháng 4 sẽ đón nhận thêm một số doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn, có thể kể tới như TPBank, FPT Retail hay Hải Phát Invest. Việc nhiều doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt lên sàn sẽ giúp thị trường thu hút thêm dòng tiền.
Minh Tuệ