Chính phủ dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng để tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng (từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng, tương đương tăng 7%) từ 1/7/2019.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, phương án phân bổ dự toán ngân sách Trung ương 2019 báo cáo trên cơ sở dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng.
Dự toán bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng. Dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng, theo báo Dân Trí.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, dự kiến khoảng sẽ chi khoảng 16.200 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1/7/2019. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.
Năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên dự kiến khoảng 63,8% tổng chi (thấp hơn dự toán năm 2018 là 64,1%), tỷ trọng chi đầu tư 26,3% (cao hơn dự toán năm 2018 là 26,2%). Sự chuyển biến của tỷ lệ này tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đã góp phần bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư – chi thường xuyên theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo báo Thanh Niên đưa tin, báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán và phân bổ năm 2019… của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH cho thấy con số thu ngân sách năm nay đạt khá, vượt dự toán, tuy nhiên lại chưa đạt được một số mục tiêu trong nghị quyết của QH như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017…
“Nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Liên quan đến các khoản chi, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định việc cơ cấu chi chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách còn cao. Đặc biệt, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự.
Từ đó, ủy ban này đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn; công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, không chi ngân sách nhà nước năm 2019 để mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.
Đức Huy (tổng hợp)